Một thoáng Diêm Phù

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

LẠY PHẬT GIÚP CHO MẸ

LẠY PHẬT "GIÚP" CHO MẸ
 
Tỳ kheo: Thích Quảng Đạt

Qua chuyến hành hương chiêm bái Phật tích tại Ân Độ, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều vị tu sĩ gồm các nước khác nhau hành trì tại Bồ Đề Đạo Tràng (BĐĐT). Một điều ngạc nhiên và cảm động khiến tôi phải viết lên bài viết này, đó là hình ảnh người tu sĩ Việt Nam hành trì tại địa danh nổi tiếng này.


Có lần chúng tôi đã viết, BĐĐT là một địa danh, là một Phật tích quan trọng nhất trong tất cả các thánh tích của Phật giáo. Nơi đây được xem như là “tấm giấy chứng nhận” khai sinh ra đạo Phật. Vì lẽ đó nó trở nên nổi tiếng và vượt khỏi không gian đất nước Ấn Độ. Cũng chính vì vậy mỗi ngày lại có nhiều vị tu sĩ mong được sang đây để hành trì cho thỏa mãn tâm nguyện.


Chúng tôi phát hiện ở phía sau, có hai người nữ tu sĩ đang lễ bái. Hình ảnh chiếc áo tràng màu lam đã thúc dục tôi rảo bước tới để được chứng kiến tận mắt. Tôi không dám lên tiếng sợ làm các vị ấy phân tâm. Tôi đứng hơi xa và cố đưa mắt mình nhìn vào quyển kinh để trước mặt. Một cảm giác vui mừng, lâng lâng khó tả khi bắt gặp được chữ viết của dân tộc mình trên một đất nước rộng lớn như vậy. Do thời gian đi tuor có hạn, tôi đành phải thất lễ với các vị đang hành trì. Tôi bước tới, chắp tay xá chào, chụp một tấm hình. Một trong hai Sư cô hiểu được ý của chúng tôi nên đứng dậy rời khỏi chổ hành trì và trò chuyện.


Điều đầu tiên chúng tôi ghi nhận được là tình cảm của người con lâu ngày xa quê hương, tổ quốc. Hai tiếng Việt Nam và ngôn ngữ dân tộc tại đây thiêng liêng cao quý biết nhường nào. Chính nhờ vậy, con người mới trải được tấm lòng mình ra như một lời chia sẻ, nhắn nhủ thật cảm động


Người tiếp chuyện với chúng tôi là Sư cô TN Như Th. Hiện đang tu học tại chùa Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang. Sư cô cho chúng tôi biết: “có năm Sư cô VN hành trì tại BĐĐT. Tất cả các sư cô phát nguyện qua đây hành trì 3 tháng. Mỗi ngày, ngồi trì kinh và lễ lạy tại đây hai thời. Sáng từ 7 giờ cho đến 11 giờ, chiều thì từ 2 giờ cho đến 6 giờ. Các Sư cô vẫn còn giữ giờ giấc thọ thực như ở VN. Bởi vì sợ rằng sau khi hành trì xong ba tháng, các Sư cô về nước phải thay đổi giờ thọ thực một lần nữa”


Các sư cô, đi theo đường bộ từ Việt Nam sang Lào, rồi từ Lào qua Thái Lan sau đó đi bằng đường hàng không sang Ấn Độ. Với lộ trình quanh co như vậy nhằm mục đích giảm chi phí tới mức thấp nhất. Các sư cô sang đây mướn nhà gần BĐĐT tiện cho việc đi lại hành trì. Tiền mướn nhà 1000 rupees một tháng cho 2 người (khoảng gần 400 ngàn tiền VN). Các chi phí khác như tiền điện, nước, tiền ăn, tiền chợ…trên dưới 1000 rupees.


Chúng tôi biết có rất nhiều thức ăn của Ấn Độ không hợp khẩu vị của người VN, nên ngoài thời giờ hành trì các sư cô phải đi chợ và nấu ăn mục đích nhằm đảm bảo sức khỏe trong suốt thời gian tu tập tại đây. Phần nhiều các gia vị quý cô phải đem từ Việt Nam sang.


Chúng tôi hỏi Sư cô có tâm nguyện gì lớn không mà phải thân hành sang đây để lễ bái. “Con nghĩ rằng: hầu hết các tu sĩ Phật giáo, ai cũng mong được một lầm chiêm ngưỡng và đảnh lễ tại nơi đức Phật chứng đắc đạo quả” Sư cô trả lời như vậy. Quý Sư cô đã thực hiện nghi lễ “tam bộ nhất bái” từ dưới chân núi Linh Thứu lên đến mõn núi (nơi chỗ đức Phật ngồi thuyết pháp), mất 2 tiếng đồng hồ, Sư cô cho chúng tôi biết thêm.


Quả thực, nếu ai là tu sĩ Phật giáo hoặc là các Phật tử thuần thành đều có ước muốn như vậy. Ngoài địa danh mang tính lịch sử có giá trị, chúng tôi nghĩ những “linh khí” ít nhiều vẫn còn hội tụ đâu đó, nên khi mọi người bước vào có cảm giác nhẹ nhàng, an lạc. Vào những tháng đầu mùa đông, tiết trời se se lạnh, ánh nắng nhẹ dịu cũng làm cho chúng ta dễ chịu hơn nhiều. Biết rằng mùa này là mùa du lịch của đất nước Ấn Độ, nhưng ai nấy khi vào đây vẫn trang nghiêm thành kính, tạo nên một quang cảnh yên bình, thanh thóat.


Ngoài ước mơ chung Sư cô còn ước mơ và suy nghĩ gì riêng không?. Chúng tôi hỏi.


Sư cô trả lời: “Dạ có”


Sư cô trả lời mà nước mắt cứ tuôn trào.


Có lẽ câu hỏi của chúng tôi vô tình nhắc lại chuyện gì buồn lắm. Chúng tôi nghĩ vậy


Quả đúng như suy đoán của chúng tôi lúc ấy. Câu hỏi đó như nhát nhao, cắt vào đúng vết thương chưa lành hẳn sau 41 năm. Những câu “chuyện khó tin nhưng có thật” mà tôi tôi thường đọc trên báo an ninh thế giới cuối tháng, giờ đây xem ra cũng như vậy. Sư cô kể trong nước mắt đầm đìa. Tôi và ba bạn trẻ cũng không cầm được nước mắt. Đúng ra chúng tôi không muốn khơi lại và đụng vào nỗi đau mang tính riêng tư ấy. Nhưng được sư cô Như Th… cho phép nên tôi mạnh dạn lược ghi lại để mong sao người mẹ của Sư cô và các bà mẹ trẻ khác đọc được dòng tâm sự này cùng nhau suy ngẫm.
Cách đây 41 năm, tại mảnh đất tỉnh Bình Định có một đôi bạn trẻ yêu nhau, kết quả của tình yêu sau nhiều năm hai người đeo đuổi là một bé gái chào đời. Nhưng do nhận thấy khuôn mặt của cô “quá xấu”, người mẹ thuê một phụ nữ đem đứa con gái vừa lọt lòng ra ngoài đường cho xe cán chết, mong rằng không muốn thấy có mặt cô sau này.


Người phụ nữ được thuê, không nỡ ra tay giết hại một sinh linh bé bỏng vô tội, nên đành đem cô bé bỏ trước cửa chùa của một Sư nữ và về nói dối với bà là đứa bé đã chết. Cô bé ấy có tên Võ Thị Minh C… (Họ là lấy họ của vị Sư nữ đó, tất nhiên tên cũng do Sư nữ đặt). Cô bé được chăm sóc và lớn lên trong tình yêu thương của Sư nữ, rồi được cạo đầu học đạo ngay từ thời còn tấm bé, nay đã trở thành một Sư cô.


Tình yêu thương của người cưu mang và hằng ngày kinh kệ cũng không thể nào làm vơi đi nỗi nhớ mẹ. Tiếng gọi của tình mẫu tử thiêng liêng, khiến cô phải vất vả tìm kiếm ngược xuôi, mong rằng được kêu lên hai tiếng “mẹ ơi”. Và một điều mơ ước tầm thường nữa là nhận được cái xoa đầu hay dòng nước mắt hối hận muộn màng từ người mẹ trẻ lỗi lầm năm ấy

.
Thế nhưng sau nhiều lần tìm kiếm, hai tiếng “mẹ ơi” của cô đã được thỏa nguyện (cô đã tự mình kêu như thế). Nhưng cái “xoa đầu và dòng nước mắt hối hận” tầm thường mà cô hằng ao ước lại không bao giờ có được, ngược lại chỉ là những lời xỉ vả, đay nghiến… đến nhục nhã. Nhưng dầu sao cũng là mẹ dứt ruột đẻ ra mình, cô đành ra về trong đôi mắt đỏ hoe và nghe vị mặn đắng trong cổ họng. Cô nghĩ rằng trong máu huyết của mình có một phần dòng máu của người mẹ “sắt đá”. Cô mang cả câu chuyện và tâm nguyện riêng tư đó sang tại BĐĐT lạy Phật thay cho mẹ mình, mong rằng người mẹ của mình “hồi đầu” như bao người mẹ khác. Đồng thời cởi bỏ đi sợi dây oan nghiệp nhiều đời nhiều kiếp giữa cô và bà.


Nội dung chính của câu chuyện năm xưa chỉ chừng ấy. Nhưng “cái chừng ấy” vẫn còn tái diễn đâu đó trong đời sống xã hội ngày hôm nay. Mạng sống của con người đáng quý mà tình yêu thương, nhất là tình mẫu tử lại cao quý không gì sánh được. Mong rằng câu chuyện như một lời nhắn nhũ chân thành đến các bậc cha mẹ và đặc biệt các bạn trẻ đã và đang mắc phải lỗi lầm tương tự như thế. Chúng ta cùng nhau sớm tỉnh ngộ để không có những giọt nước mắt hối hận nhưng quá muộn màng.


(Năm 2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.