Một thoáng Diêm Phù

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Hành Hương Về Xứ Phật – (Kỳ III)

HÀNG PHỤC MA QUÂN, CHUYỂN BÁNH XE PHÁP

“Giấy chứng nhận” khai sinh của đạo Phật

 
Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) là một Phật tích quan trọng nhất trong các Phật tích. Nếu như tại đây thái tử Tất Đạt Đa không hàng phục được nội ma, ngoại ma; không diệt trừ tận cùng cội rễ vô minh, phiền não, không chứng đắc quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì đạo Phật không xuất hiện trên đời này, và một chuổi sự kiện như ngôi Tam bảo không hình thành và giá trị các thánh tích như Lâm Tỳ Ni (Lumbini), Câu Thi Na (Kuśinagar), Vườn Lộc Uyển (Mrgadāva), Linh Thứu (Grdhrakūta), núi Kê Túc (Kukkutapāda-giri)…chỉ là những gò đất, đồi núi bình thường như bao đồi núi trên các quốc gia khác.


Nhận biết rõ tầm quan trọng đó, nên có rất nhiều đòan Tăng Ni Phật tử trên thế giới cũng như các du khách về đây lễ bái, hành trì và tham quan. Lượng khách du lịch, hành hương lễ bái mỗi ngày một nhiều. Đó là một dấu hiệu đáng mừng. Sự kích cầu thích đáng có tính tương tác làm thỏa mãn và có lợi cho du khách lẫn người dân địa phương nơi đó. Các quan chức của nước sở tại cũng ý thức được điều này nên đã và đang duy tu, bảo dưỡng các công trình trong thánh tích một cách chu đáo.


Khi chúng tôi đến, nhằm lúc đang duy tu một số công trình nhỏ, nhưng cũng nhộn nhịp khách vào ra. Nơi đây hội tụ nhiều đòan khách của nhiều nước trên thế giới. Có đầy đủ kẻ “chiêm” người “bái”. Hình ảnh các tu sĩ Phật giáo người Tây Tạng hành trì miệt mài tại gốc Bồ đề hàng giờ liền. Có vị lạy 4 giờ đồng hồ liên tục. Trên tấm ván hành trì của các vị tu sĩ Tây Tạng nhẵn bóng. Cách lạy của họ khác với tu sĩ Việt Nam chúng ta, tạo nên độ bóng sáng của tấm ván.


Quanh đó có nhiều tu sĩ và Phật tử đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc, Bangladesh, Srilanka, Thái Lan… họ ngồi quanh vị sư lắng nghe thuyết pháp. Các Phật tử và tu sĩ đến từ các nước phương Tây lại chọn phương pháp tọa thiền. Một phát hiện khá thú vị của chúng tôi là có 2 Ni cô người VN, hiện đang tu học tại Nha Trang phát nguyện hành trì tại đây 3 tháng (chúng tôi sẽ đề cập riêng trong một bài khác).


Cũng tại nơi này, chúng tôi cũng gặp được các du khách Việt Nam. Họ là những cán bộ giảng dạy tại một trường đại học ở Thái Nguyên qua đây tu nghiệp. Trước ngày về nước họ đã tranh thủ thăm viếng Bồ Đề Đạo Tràng. Bởi vì họ nghe nói rằng: “Đây là vùng đất linh thiêng và kỳ bí của Phật giáo”. Một trong hai người trả lời với chúng tôi như vậy. Thế mới biết rằng, sự lan tỏa tiếng vang của những thánh tích có tính cộng hưởng rất lớn trong lòng quần chúng. Chính điều này khêu gợi lên trí tò mò và lòng ngưỡng mộ của mọi người mọi giới trong xã hội. 


Cây bồ đề “cháu” của cây bồ đề khi đức Phật ngồi thiền định suốt 49 ngày tại Bồ Đề Đạo Tràng đang già cỗi. Các nhánh được chống đở một cách rất cẩn thận. Hy vọng rằng sự chăm sóc và bảo dưỡng của con người sẽ kéo dài tuổi thọ cho nó. Bởi nó chính là một trong những “nhân chứng” rất có giá trị của Phật giáo. Tôi ngồi chờ đợi hàng giờ trông mông nhặt được một chiếc lá bồ đề tại đây đem về làm kỷ niệm. Nhưng đợi chờ chỉ là chờ đợi. Cuối cùng tôi đã ra về tay không. Chắc tôi chưa có được diễm phúc ấy?.


Cách Bồ Đề Đạo Tràng khỏang 2km, chùa của nhiều nước như Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…được xây dựng công phu và hoành tráng và hòan chỉnh. Riêng chùa Việt Nam Phật Quốc Tự do TT Huyền Diệu kiến tạo, xây dựng và trụ trì cũng còn ngổn ngang.


Chuyển bánh xe phápTháp Chaukhandi cách vườn Lộc uyển, khỏang 200 mét. Nơi đây lần đầu tiên đức Phật gặp năm anh em Kiều Trần Như, sau khi Ngài chứng đắc đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Hiện nay những người có trách nhiện đang chuẩn bị vật liệu để tu bổ lại phần chân bao xung quanh ngôi tháp.
Vườn Lộc Uyển (Mrgadāva) ở Sarnath ước rộng trên ba mẫu. Cổ tháp Dhamekh trong vườn Lộc uyển đang trong thời kỳ tu sửa. Những giàn giáo xung quanh tháp được làm bằng tre đó là điều lạ so với VN chúng ta hiện nay. Các công nhân xây trét lại cổ tháp bằng một chất kết dính màu gạch nâu đỏ. Vị trí cổ tháp là nơi đánh dấu chỗ đức Phật ngồi giảng bài pháp Tứ Diệu Đế đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như. Ngôi Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) chính thức ra đời từ đó.


Phía sau vườn là một bầy hươu gần 100 con, được nuôi nhốt có hàng rào kẽm gai bảo vệ chặt chẽ. Chúng tỏ ra rất thân thiện với khách khi cho chúng ăn. Trụ đá được dựng lên từ thời vua Asoka đã bị gãy làm 4 đọan. Đây là kết quả này do nạn xâm lược của ngoại bang. Ngày nay 4 đoạn gãy đó được bảo vệ bằng hàng rào khá kiên cố.


Trong vườn Lộc Uyển các nhóm học sinh vui đùa hồn nhiên. Các em tỏ ra rất hiếu khách tuy ngôn ngữ bất đồng, nhưng tôi vẫn cảm nhận được điều đó qua những cái vẫy tay thân thiện. Dân bản xứ thường đi dạo trong vườn Lộc Uyển lúc chiều tà dịu nắng. Ngay bên cạnh vườn Lộc Uyển là một ngôi chùa của quốc gia Srilanka và mô hình đức Phật đang ngồi thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như. Một hạnh phúc ấm áp trong tim chúng tôi là được thấy bài Kinh Chuyển Pháp Luân bằng tiếng Việt khắc trên bia đá tại nơi này. Hình ảnh một nữ cư sĩ Srilanka ngồi thiền trong tư thế kiết già trước các bản kinh lúc chiều về tạo nên bức tranh tuyệt đẹp.


Chúng tôi dời bước rời khỏi vườn Lộc Uyển trong một cảm giác khó tả. Bởi đây là thánh tích cuối cùng chúng tôi được chiêm bái. Cái cảm giác lưu luyến, bịn rịn “đi thì không nở, ở thì không đành” giờ đây tôi mới hiểu hết về nó. Chúng tôi lưu luyến vì nhiều lẽ, trong đó có một suy nghĩ đơn giản là không biết từ đây cho hết kiếp làm người có diễm phúc được quay trở lại đảnh lễ các thánh tích một lần nữa không? Nghĩ đến đó nước mắt tôi cứ chảy dài. Mong rằng ước nguyện đơn giản, nhỏ nhoi đó sẽ đến với tôi một lần nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.