Một thoáng Diêm Phù

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA HAI CHỮ CHÙA, THÁP

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA HAI CHỮ CHÙA, THÁP


THÍCH QUẢNG ĐẠT

CHÙA LÀ NƠI CÓ THỜ PHẬT (ĐỨC PHẬT LICH SỬ, PHẬT THÍCH CA), LÀ NƠI, KHI MÀ CHÚNG TA VÀO CỔNG KHÔNG PHẢI TỐN PHÍ (PHƯƠNG NHÃ KA).

Chùa và tháp là hai từ rất gần gũi đối với tất cả Tăng Ni cũng như tín đồ Phật tử. Sách La Bích Chí Dư có viết, nhà Hán đặt ra Hồng Lô Tự để tiếp đón tân khách. Vào đời hậu Hán (Đông Hán) niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10 (Hán Minh Đế) thì Phật Pháp bắt đầu du nhập vào Trung Quốc do Ngài Ca Diếp Ma Đằng (Kàsyapamàtanga) và Ngài Trúc Pháp Lan (Gobharana), hai Ngài đã được nhà Hán đón tiếp nồng hậu và đưa đến ở tại Hồng Lô Tự. Năm sau nhà vua cho lập Bạch Mã Tự (để kỷ niệm hai pháp sư đã dùng bạch mã chở kinh từ Thiên Trúc sang Trung Hoa) ở ngoài cửa Tây cung của thành Lạc Dương, vì không tiện ở lâu trong Hồng Lô Tự được, cho nên phải xây một nơi riêng, nhân đó mà đặt tên là "Tự" (chùa), nhà Hán coi các Tổ sư từ phương Tây tới là thượng khách, được tiếp đón long trọng, Trung Quốc bắt đầu có chùa Tăng sư từ đó.

Tự ở Ấn Độ gọi là Tăng Già Lam, Trung Hoa dịch là chúng viên, tức là nơi ở của nhiều người. Ở trong chúng viên (viên phổ) các Phật tử vun trồng mầm đạo Thánh quả. Trong các kinh gọi chùa là Già Lam ( ví dụ: Quảng Hương Già lam có nghĩa là chùa Quảng Hương), Thiên Hương Già Lam (chùa Thiên Hương), là trúc viên ( Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên), tức là chùa xá ở Ấn Độ vậy.

Thời hậu Nguỵ, đời Thái Vũ Đế niên hiệu Thuỷ Quang nhà vua cho lập các Già Lam, gọi là Chiêu Đề. Thời Tùy Dưỡng Đế, năm Đại Nghiệp đổi tên các chùa trong thiên hạ là Đạo Tràng (Thiên Hương Đạo Tràng). Đến đời Đường đổi lại tên gọi là Tự, có nghĩa là chùa, nghĩa này giữ mãi cho đến ngày nay.

Tháp (stùpa, thupa) cây tháp. Phiên âm là tốt- đổ- ba. Trung Hoa dịch là tháp bà, đậu bà, thân bà…là nơi xếp đất đá cao lên để cất giữ hài cốt vào đó còn gọi là câu la, dịch là tụ tập, nghĩa là phần mộ của cao tổ, hiển khảo hay linh miếu… khi còn gọi là Chi Đề, Chế Để chỉ nơi không cất giữ thân thể, hoặc gọi chung là tháp, cũng gọi là Chi Đề. Pháp Hoa Nghiêm Sớ, q 11: theo Tăng Kỳ luật giải thích chỗ có xá lợi gọi là Tháp Bà, không có xá lợi gọi là Chi Đề. Sách Địa Trì thì giải thích rằng có hay không có xá lợi đều gọi là Chi Đề. Luận Minh Liễu giải thích Chi Đề là nơi yên tĩnh. Hành Sự sao, q hạ, dẫn sách Tạp Tâm nói: "nơi có xá lợi gọi làTháp, không có xá lợi gọi là Chi Đề. Tháp có khi còn gọi là thân bà, tháp bà có nghĩa là ngôi mộ, còn gọi là phương phần (mã vuông). Chi đề có nghĩa là miếu, miếu có nghĩa là mạo (vẻ). Lại nữa, tháp có phân biệt hai loại Hiển giáo và Mật giáo. Hiển giáo cho rằng tháp phải nêu ngọn cờ đạo cao đức trọng, tức cái gọi là mộ tiêu, có đức độ. Mật giáo thì cho rằng tháp là hình tam- muội- da của Đức Đại Nhật Như lai, ngũ luân tháp là Phật thể, không phải là mộ tiêu, vì thế cho phép kết duyên truy phúc, xây ở mộ sở của tất cả Tăng tục nói chung. Tục gọi là thạch tháp, tháp bà, tốt đổ ba là chỉ ngũ luân tháp này".

Theo kinh Đại Bát Niết Bàn dạy: "này Ananda, bốn hạng người sau đây đáng được xây tháp. Thế nào là bốn? Như Lai, bậc A- La- Hán, Cháng Đẳng Giác xứng đáng xây tháp. Độc Giác Phật xứng đáng xây tháp. Đệ tử Thanh Văn của Như Lai xứng đáng xây tháp. Chuyển Luân Thánh Vương xứng đáng xây tháp" (kinh ĐBNB, Trường Bộ Kinh, tập I, VNPHVN ấn hành, năm 1991, tr 646). Theo kinh Du Hành, "Phật bảo A Nan: trong thiên hạ có bốn hạng người đáng được dựng tháp, đốt hương rải hoa, treo phan kết tụ, trỗi nhạc cúng dường. Bốn hạng ấy là ai? 1. Như Lai, 2. Bích Chi Phật, 3. Thanh Văn, 4. Chuyển Luân Thánh Vương" (kinh Du Hành, Trường A Hàm, Tập 1, ĐTKVN, VNCPHVN ấn hành, năm 1991, tr 160). "Ngài Chân Đế Tam Tạng dẫn kinh Thập Nhị Li Nhân Duyên nói có tám hạng người cần được dựng tháp. Một là Như Lai, loại tháp lộ bàn 8 tầng trở lên, đó là Phật tháp. Hai là Bồ Tát 7 bàn. Ba là Duyên Giác 6 bàn. Bốn là A La Hán 5 bàn. Năm là A Na Hàm 4 bàn. Sáu là Tư Đà Hàm 3 bàn. Bảy là Tu Đà Hoàn 2 bàn. Tám là Luân Vương 1 bàn. Nếu tháp dựng không đúng lễ, thì đó không phải là Thánh pháp vậy". Theo Tăng Kỳ luật, "tất cả chư Tăng đều được dựng tháp, gọi là trì luật pháp sư, các loại Doanh sự tỳ kheo, Đức vọng tỳ kheo đều nên dựng tháp. Đã không phải là Thánh nhân, thì không dược phép đặt lộ bàn, mà để vào chỗ bình phong. Nếu làm trái sẽ bị kết tội. Căn cứ theo đoạn văn tên đây ngày nay người ta dựng tháp cho sự phát triển loại tháp lộ bàn như vậy không những người sống có tội mà còn liên luỵ đến người đã chết".

Theo Từ Trì ký, q hạ, "lộ bàn là bốn bậc thềm, phàm Tăng không được xây bậc cấp, dựng thềm là không nắm được gíao lý, tiếm phạm nghi thức Thánh nhân".

Trên đây chỉ một vài ý nêu lên trao đổi cùng các bạn. Ngưỡng mong chư Tôn Đức từ bi lượng thứ cho.

VIẾT TẠI

THIÊN HƯƠNG ĐẠO TRÀNG
THIÊN HƯƠNG GIÀ LAM 
(THIÊN HƯƠNG CHIÊU ĐỀ)
THIÊN HƯƠNG AM
THIÊN HƯƠNG TỊNH THẤT
THIÊN HƯƠNG TỰ
NĂM 2003