Một thoáng Diêm Phù

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

LÂM TỲ NI HỒI SINH - NHẠC VÀ LỜI LƯU KA

https://www.youtube.com/watch?v=_UE92SOC0d8



NGÀY ĐẢN SANH LINH DIỆU QUA CÁI NHÌN VĂN HỌC



NGÀY ĐẢN SANH LINH DIỆU QUA CÁI NHÌN VĂN HỌC

LS NGUYÊN DIÊN


Văn học phương Đông thời kỳ cổ đại và trung đại thường miêu tả các sự kiện, sự vật và con người mang tính tượng trưng ước lệ. Mỗi thời đại khác nhau thường có những mã nghệ thuật khác nhau. Mã nghệ thuật thực ra đó là những ký hiệu thẩm mỹ. Cắt nghĩa được ký hiệu tức là ký hiệu đã được mã hoá.

Giải mã được những ký hiệu trong những ký hiệu mang tính biểu tượng, nhằm giúp cho chúng ta cảm thụ tinh tế, sâu sắc hơn cái hay, cái đẹp trong mỗi câu chuyện, tác phẩm nào đó.

Bài viết này người viết thử giải mã biểu tượng hoa sen và sự kiện Đức Phật đản sanh bằng mã nghệ thuật văn học đương thời.

Thông thường hằng năm, vào ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch, toàn thể nhân loại nói chung và các tín đồ Phật giáo trên thế giới nói riêng, đều náo nức đón nhận một sự kiện vô cùng trọng đại. Đó là ngày lễ kỷ niệm Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đản sanh. Đây là một sự kiện, sự xuất hiện có thể được xem là “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử loài người cũng như lịch sử các tôn giáo.

Sử truyện kể rằng, Ngài từ cung trời Đâu Suất giáng trần, nhập thai và sinh ra tại thành Ca Tỳ La Vệ, con của vua Tịnh Phạn và hòang hậu Ma Gia. Trước lúc lâm bồn, hoàng hậu đưa tay vịn cành hoa Vô Ưu thì liền hạ sanh thái tử. Vừa hạ sanh, thái tử đã ung dung đi bảy bước vào cuộc đời. Mỗi bước chân đi đều được một bông sen nâng đở. Lúc ngài dừng lại một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất dõng dạc tuyên bố:

Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Vô lượng sanh tử
Ư kim tận hỷ.

Đồng thời lúc ấy, chín con rồng phun nước tắm, thiên long bát bộ, trời người xưng tán, chim trên cành ca hát líu lo, muôn hoa đua nở khoe sắc hương đón chào mừng Bậc Đại Giác.

Đọc qua đoạn này, nếu chúng ta không có phương pháp giải mã (cắt nghĩa) bằng mã nghệ thuật văn học của thời đại đó, thì đôi lúc chúng ta nghe như một câu chuyện huyền thoại, linh diệu mang đầy màu sắc tôn giáo. Dẫu biết rằng, đây là những biểu tượng mang đậm triết lý nhân sinh. Tuy nhiên, dưới giác độ văn học, thì đây là mã nghệ thuật thường dùng miêu tả trong thời ấy

Người xưa thường miêu tả những điều không bình thường để báo hiệu những điều phi thường, hay nói cách khác, miêu tả những con người quá phi thường bằng những sự kiện không bình thường.

Ngày đản sanh là một bức tranh hài hoà tuyệt đối giữa con người với thiên nhiên. Hoa sen là một loài hoa dung dị, dân dã mọc khắp nơi bùn lầy, ao tù nước đọng. Những mầm sống được thai nghén ngay trong chốn ô trược. Qua bao ngày tháng, kết tinh thành những nụ hoa, để rồi vươn lên khỏi mặt nước, bước vào không trung, xòe cánh hé nhụy, tỏa hương bay khắp không gian hòa quyện cùng với hương sắc của muôn loài hoa thơm cỏ lạ khác.

Hoa sen không đứng cạnh mai, lan, trúc, cúc. Hoa giữ cho mình nét thuần khiết, thanh cao thoát trần. Hoa sống và nở giữa bùn lầy ô nhiễm. Có lẽ vì vậy mà biểu tượng hoa sen được Phật giáo lấy làm biểu tượng cao quý. Chính trong chốn bình thường dân dã ấy, hàm dưỡng cái khác thường và cũng chính cái khác thường đã cùng nhau hội ngộ tạo nên cái phi thường nhất trong lịch sử.

Kẻ tri âm gặp người tri kỷ. Hoa sen nở trong cuộc đời để chờ đợi nâng đôi bàn chân bất nhiễm trần của Bậc Đại Sĩ. Chỉ có đôi bàn chân ấy mới xứng đáng để hoa tự nguyện nâng đở bảy bước đi chập chững đầu đời. Bàn chân bất nhiễm trần đặt lên bông hoa vô nhiễm tạo nên một mỹ cảm văn học tuyệt vời. Đây là một nghệ thuật đặc tả tôn vinh cái đẹp. Người và hoa không hẹn mà hữu duyên, hay hoa chờ người giáng thế!? Người thì mượn hoa mang thông điệp giải thoát giác ngộ đến với chúng sanh trong cõi Ta bà này.

Ở đây chúng ta thấy hai hình ảnh khác thường. Hoa nâng đở chân người. Người mới sanh liền đi vào cuộc đời và còn gửi một bức thông điệp cô đọng, hàm súc. Chính cách miêu tả không bình thường này cũng thông báo cho người nghe và người đọc một vĩ nhân giáng thế.

Chúng ta cũng thử liên tưởng đến một vài sự kiện khác thường của các vị Tổ sư, các nhân vật tên tuổi trong lịch sử cũng như trong các tác phẩm văn chương để hiểu thêm về mã nghệ thuật mà người đương thời thường sử dụng

Tương truyền Tổ Ca Diếp nở một nụ cười hàm tiếu, khi nhìn thấy cành hoa sen trên tay đức Phật ở trong hội chúng. Chỉ có Phật mới hiểu nụ cười đó. Ở đây cái ký hiệu phi thường ẩn trong Ngài Ca Diếp đã được Phật mã hóa. Người phi thường mới hiểu được nụ cười khác thường đó.

Tương truyền rằng tổ Thương Na Hòa Tu, ở trong thai mẹ sáu năm, chờ khi nào có loại cỏ tên Thương Nặc Ca thì mới chịu ra đời. Còn Tổ Ưu Ba Cúc Đa thì khi mẹ mang thai đã thấy mặt trời xuất hiện ở trong nhà.

Tương truyền rằng, vua Tần Thủy Hoàng cũng ở trong thai mẹ 12 tháng. Sau khi kế nghiệp ông đã thống nhất toàn bộ đất nước Trung hoa lúc bấy giờ. Còn các tác giả như La Quán Trung, thì miêu tả nhân vật của mình cũng mang tính tượng trưng ước lệ nhằm làm nổi bật cái khác thường của các nhân vật. “Quan Vũ mình cao chín thước, râu dài hai thước, mặt đỏ như gấc, môi tựa như son, mắt phượng mày tằm…”. Và gần đây nhà đại thi hào Nguyễn Du cũng miêu tả Từ Hải qua hai câu thơ để nêu bật lên hình dáng và tính cách khác thường của một anh hùng

…Râu hùm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao,

Ở đây cũng có một vài ý kiến hồ nghi về sự không tương xứng tỷ lệ giữa chiều ngang và chiều cao của Từ Hải. Phải chăng, do mã nghệ thuật đương thời quy định nên Nguyễn Du miêu tả Từ Hải một cách không bình thường để nói lên con người phi thường?

Hầu như các bậc thiên tài, hiền triết thánh nhân ra đời vào các thời kỳ đó đều có những điềm lạ khác thường xuất hiện. Đây là chỗ tương giao, hòa điệu, tinh tuý nhất giữa con người với thiên nhiên. Và cũng chỉ có văn học - kể cả văn học dân gian hoặc văn học viết - mới kể lại, ghi lại, lưu truyền đồng thời mới cảm nhận đầy đủ cái đẹp và giá trị thực của nó.

Giải mã nghệ thuật không phải làm mất đi vẻ lung linh huyền diệu mà để hiểu và cảm nhận chân thật, sâu sắc về ngày Đại Lễ Phật đản vậy!

Viết tại: THIÊN HƯƠNG ĐẠO TRÀNG
Mạnh hạ năm Quý Mùi
Phật đản lần thứ: 2626
Phật lịch: 2546
Dương lịch: 2002

Ai khóc và khóc ai?

Ai khóc và khóc ai?
(tùy bút)
Nguyên Diên

Tôi và Ngài ra đời cách nhau hơn hai mươi sáu thế kỷ, ngày nay cứ mỗi lần đọc lại những trang sử đản sinh của Ngài, tôi chỉ biết khóc thầm và tự nguyện quỳ mọp xuống cung kính đảnh lễ dưới chân Ngài một cách thành kính mà không hề hay biết xung quanh đang diễn ra những điều gì khác. Khóc vì nhiều lẽ, Ngài thánh thiện quá, Ngài siêu việt quá, Ngài tuyệt vời quá… không có một mỹ từ nào ở trần thế này có thể ca ngợi và tán thán công hạnh của Ngài cho thật đúng nghĩa.

Khóc là một biểu hiện sinh học rất ư bình thường đối với tất cả mọi đứa trẻ sơ sinh như tôi. Tiếng khóc ngây thơ của mỗi sinh mạng bé bỏng đều mang theo những giá trị riêng biệt nhất định mà không ai có thể nào gặp lại lần thứ hai trong cuộc đời mình. Tiếng khóc của tôi không phải khóc “vì nỗi xót xa sự thế”, mà khóc vì những gì xa lạ đang xảy ra xung quanh tôi. Tôi đã quen và bằng lòng với thế giới chật chội, nóng nực trong thai mẹ, phút chốc bỗng từ bỏ nơi cư ngụ hơn chín tháng qua, vì vậy nên tôi đã phản ứng mạnh mẽ bằng cả tứ chi và tiếng khóc đó. Tôi đã ái nhiễm và luyến tiếc không muốn rời bỏ nơi ấy, dẫu biết rằng đó là quy luật tất nhiên của vũ trụ đất trời. Và rồi tiếng khóc định mệnh năm xưa ấy đã theo tôi trong suốt thời gian tôi hiện hữu trên cuộc đời này.

Năm tháng cứ dần trôi qua, tôi lớn lên và đã khóc, khóc rất nhiều. Khóc vì những trận đòn roi do tôi không biết vâng lời, ham chơi, biếng học. Khóc vì kết quả học tập thua kém bạn bè và sự nghiệp nay mai sẽ bị rơi vào chổ tối tăm, tuỵệt vọng, không lối thoát…

Lớn lên tôi đã khóc vì tình yêu bất như ý, đành ngậm ngùi chấp nhận để rồi lại khóc vì vợ vì con. Nhưng có lẽ do thiện duyên nhiều đời nhiều kiếp, tôi đã may mắn khóc vì có cơ hội gặp được chánh pháp, được thầy Bổn sư đồng ý nhận làm đệ tử xuất gia. Mỗi nhát dao đưa, từng sợi tóc dài phiền não trên đầu cứ rơi xuống, để lại sau lưng một quá khứ trầm luân sanh tử. Đáng lẽ ra tôi phải mỉm cười để từ giã nó nhưng sao tôi lại khóc thầm?, cầm nén không được tôi bật khóc lớn lên thành tiếng. Huynh đệ và thầy tổ ngạc nhiên và lúc này tôi không hiểu vì sao tôi lại khóc ù oa như một đứa trẻ trong vòng tay cha mẹ như thời thơ ấu vậy?!.

Đã xuất gia rồi mà tôi vẫn không sao hết khóc được. Khóc vì trí nhớ quá tồi không sao học thuộc lòng nổi bài chú Lăng Nghiêm, khóc vì nghiệp trạo cử, giải đãi, hôn trầm, phóng dật… cứ luôn theo tôi dai dẳng. Đường học đạo của tôi như chiếc xe quá cũ chạy trên con đường xa thẳm mà Như Lai đã để lại. Lắm lúc tôi muốn quay về tìm lại bến mê trong quá khứ để yên phận mình trong kiếp chúng sanh.

Tôi là người quá ư yếu đuối, thiếu bản lĩnh và nghị lực nên đã tìm đến trước Tôn tượng của Ngài để cầu xin và nói những điều rất vô lý. Nhưng khi đứng trước dung nhan toàn hảo và công hạnh vô biên của Ngài tôi không thể thốt lên được lời tôi dự định muốn nói. Tôi nhìn Ngài và Ngài cứ im lặng với nét mặt nghiêm nghị và nụ cười huyền diệu trên môi, lúc này tôi không khóc được mà nước mắt cứ rơi rơi mãi. Tôi nghiến hai hàm răng lại và nghe trong họng vị mặn đắng của kiếp chúng sanh đa nghiệp chướng.

Tháng ngày lại dần trôi, tôi cố gắng tinh tấn hơn trong các thời khoá tu tập cùng đại chúng. Một hôm cơn bạo bệnh đột ngột đến, gặm nhấm xác thân tứ đại giã huyễn này, từng cơn đau quặn xé, toát mồ hôi, tôi đã dùng hết khả năng sở học và hành trì của mình để mong hóa giải nó. Nhưng oái oăm thay, lần này tôi cũng lại thất bại. Nhưng có điều lúc này tôi không khóc thành tiếng mà thay bằng những tiếng hít hà kéo dài và một vài cái nhăn mặt để che giấu sự nghiệp tu hành vụng về của chính mình. Từ tiếng khóc ngây thơ lúc lọt lòng cho đến tiếng khóc bị tham, sân, si cũng như ngoại cảnh chi phối, cho dù có khác nhau nhưng đó là phản ứng quá yếu đuối của riêng tôi trên cuộc đời này.

Ngày đản sinh, tôi lại nhớ đến Ngài. Ngài chào đời không hề cất lên tiếng khóc. Ngài ung dung bước chân đi vào cõi Ta Bà khi vừa ra khỏi lòng mẹ. Những đóa sen hồng nâng đôi bàn chân bé nhỏ ngọc ngà của Bậc Đại Sĩ. Ngài không khóc, có lẽ vì Ngài đâu còn xa lạ gì ở cõi Ta Bà. Ngài đến đi thong dong tự tại như trở về thăm lại cố hương. Ngài hạ thế mang theo lòng bi nguyện và bức thông điệp nhằm khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Nhân thiên, hớn hở vui mừng, chào đón khi hay tin Ngài giáng trần hóa độ; muôn hoa đua nở, hương sắc ngập trời, chim hót líu lo, vạn loài hoan lạc. Chỉ nghe văng vẳng đâu đây tiếng gào khóc thảm thiết của ma vương, bởi từ đây quyến thuộc của chúng sẽ ít dần rồi đến lúc không còn nữa. Đấng tiên tri A Tư Đà đã cúi lạy Ngài và khóc vì tuổi mình đã quá lớn không còn có cơ may để học và tu theo giáo pháp mà Ngài sẽ chứng ngộ trong tương lai. Nhơn thiên thương tiếc, muôn loài khóc than khi Ngài từ bỏ cái thân giả huyễn để về nơi Niết Bàn bất sanh bất diệt.

Hôm nay ngày đại lễ Phật đản lại về, một lần nữa tôi lại khóc vì tôi và Ngài lại được một chúng sanh đa nghiệp chướng như tôi quỳ khóc dưới chân Ngài.

Viết tại THIÊN HƯƠNG ĐẠO TRÀNG
Mạnh Hạ năm Giáp Thân
- Phật đản lần thứ: 2628
- Phật lịch: 2547
- Dương lịch: 2004