Một thoáng Diêm Phù

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

NHẶT BÓNG SUY TƯ 73 & 74

73 - Dừng cuộc chơi sinh tử
 
Mẹ mất sớm, cha bị thần kinh không tỉnh táo. Hắn được chùa cưu mang.
Hắn học rất giỏi, đi thi học sinh giỏi của một tỉnh có thứ hạng hẳn hoi.
Trụ trì xuống tóc cho hắn vì mến sức học, một phần vì gia cảnh.
Sau hơn hai mươi năm học hành, tu tập trường đời lẫn trường đạo, kể cả đi du học. Cứ tưởng...
Vừa rồi nghe tin cha hắn mất, tới nhà chia buồn, tụng kinh cầu nguyện thì thấy hắn đã “dừng cuộc chơi sinh tử”.
Hỏi hắn để nghe tâm sự của “người dở dang”.
Hắn nói vì nhiều lý do khác nhau. Mới nghe cũng có lý. Nghe thêm thì lý do này đá lý do kia.
Tôi chỉ nói duy nhất một câu:
- Không sao cả, hảo tâm xuất gia hay gia cảnh xuất gia đều là hạt giống của nhiều đời sau. Chúc hai vợ chồng hạnh phúc.
Ra về.
Nhiều ngày sau vẫn có cái gì đó lăn tăn trong lòng.


74 - Thuyết pháp

 
Nghe nói có vị thiền sư nọ đi du học về, giỏi lắm, thuyết pháp hay lắm. Băng đĩa bán chạy.
Có một Phật tử nọ đem đĩa tới chùa biếu cho một thiền sư khác.
Vị thiền sư mở ra nghe để học hỏi thêm. Giáo lý giảng trong đĩa thì không có gì cao siêu lắm, bởi vì giảng cho Phật tử sơ cơ. Chỉ đặc biệt là chất giọng nghe sao mà “chát chúa và sát thủ” quá.
Vị thiền sư ái ngại, liền tắt máy, sợ nghe lâu nhiễm và bắt chước cái âm thanh hùng hồn ấy.
Hải Triều Âm của Phật giáo nơi đâu vọng tới. Vị thiền sư mỉm cười hoan hỷ, dung nhan sáng ngời. Hảo tướng, hảo tướng!


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 71 & 72

71 - Kinh sư
 
Thấy hắn thích ở chùa. Cha mẹ cho hắn ở hẳn trong chùa. Ngày qua ngày, thấm tương chao, hắn muốn xuất gia làm thiền sư.
Cha mẹ đồng ý. Hòa thượng bổn sư thế phát đặt cho tên Tầm Tâm.
Sau 40 năm “tầm tâm” chưa được nên cũng buồn.
Đến năm năm mươi tuổi, Tầm Tâm không muốn làm thiền sư nữa mà chuyển sang làm kinh sư chuyên nghiệp (thầy cúng chuyên nghiệp).
Từ đó cuộc đời Tầm Tâm thay đổi. Đi nhiều hơn, được cái phàm phu nhiều hơn.
Do nhiều gia đình mời cúng tụng, lâu ngày cạn hơi. Nghe đâu đã viên tịch vì lao phổi.


72 - Qua đời

 
Mặc dầu nhà nghèo, con đông nhưng cha mẹ hắn rất ngưỡng mộ và sùng kính đạo Phật.
Cha mẹ cho hắn đi tu, trước là thay đổi nghiệp cũ, sau đó làm gương cho đàn em, báo hiếu song thân, hoằng dương Phật pháp, làm lợi ích cho nhân thiên.
Hắn được vào chùa tu tập, học hành đàng hoàng, thậm chí đi du học.
Về nước nhận chùa giảng pháp, Phật tử quy tụ đông đảo. Hắn thấy có một vài vị thiền sư tạc tượng gỗ, tượng đá, tượng đồng cho chính mình lúc còn sống. Hắn quyết định kêu thợ tới làm cho mình tượng bằng bạc.
Cha mẹ lâu ngày vào thăm chùa, thăm con, thấy tượng bạc hoành tráng, bà mẹ vừa khóc vừa nói:
- Thầy đua đòi quá!
Về lại nhà, bà mẹ đổ bịnh rồi qua đời. Hắn buồn. Tượng bạc chân dung hắn đổi màu, xám xịt.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

NHẶT BÓNG SUY TƯ 69 & 70

69 - Mầu nhiệm
 
Hắn nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng hắn là anh tôi, vì hắn là con ông bác. Hai anh em vào chùa tu học.
Nghe đâu dạo này hắn trở thành "chuyên gia", chuyên tư vấn cho độc giả, đủ mọi lĩnh vực.
Tôi mừng và cũng nở mặt nở mày vì bà con của mình.
Tôi thì sở học kém cỏi, chỉ ở chùa đánh chuông gõ mõ, ê a kinh kệ làm vui.
Hôm rồi gặp hắn, hắn nói:
- Muốn xuống thăm thầy mà không biết đường.
Tôi nói:
- Đường ở ngay cái "mỏ".
Hắn im lặng. Sau đó, hắn giận.
Nghe tin hắn bịnh, tôi tới thăm. Tôi hỏi:
- Đường về thấy chưa?
- Chưa. Còn xa xăm lắm.
Lâu nay bận bịu công chuyện "tư và vấn" nên hắn không để ý đến đường về.
Tôi nhắc lại:
- Đường ở ngay cái "mỏ".
Hắn dạ và niệm Phật.
Không bao lâu, nghe nói hắn đã thấy đường về và về tới nơi rồi.
Mầu nhiệm.

70 - Gia đình “Em”

 
Có một vị thiền sư đi ngang qua vùng cao nguyên, thấy phong cảnh hữu tình, dừng lại đứng ngắm nhìn.
- Mô Phật. (Có tiếng chào từ sau lưng.)
Vị thiền sư quay đầu nhìn lại, thấy hai vợ chồng đang đi tới.
Người vợ rất thành kính. Người chồng thì ngang tàng, không thèm có nửa lời.
Vị thiền sư hỏi chuyện mới hay, anh chồng đang ấm ức một sư tăng nào đó, nên có cái nhìn ác cảm.
Thiền sư gợi mở đúng lúc, anh tuôn ra một “đống rác tri thức”. Vị thiền sư lắng nghe với tâm bình thản.
Anh chàng nói một cách quả quyết, gia đình em nhiều đời kính ngưỡng đạo Phật, kính ngưỡng chư tăng ni, nhưng bây giờ thì không thể...
Nghe chữ “em” xuất hiện trong câu nói là thiền sư biết ngay thuộc hạng người nào.
Nghe thêm mới biết rằng gia đình vợ nhiều đời quy ngưỡng đạo Phật và có người xuất gia tu hành.
Vị thiền sư ngước mặt nhìn lên trên cao, vừa chỉ cây kia vừa nói:
- Chùm tầm gửi kia không phải là cây cao, nhưng không ai phá nó dễ dàng. Tuy nhiên, tầm gửi mãi mãi vẫn là tầm gửi.
Thiền sư lặng lẽ dời gót. Chim rừng cất tiếng hót.
Vợ chồng họ nhìn nhau. Không hiểu.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 67 & 68

67 - Đạo Phật “đổ cá” xuống sông
 
Đang đứng nhìn dòng sông hùng vĩ một thời, giờ cạn nước, mới biết rằng thời tiết khắc nghiệt.
- Chào ông Phật!
Thiền sư quay lại thấy một ông già.
Hai người họ nói chuyện, tôi mới biết ông ta là già làng thế hệ 4X.
Thiền sư hỏi:
- Sao già làng không làm lễ cầu mưa để cho con sông có nhiều nước, con cá nhiều thêm?
Ông nói:
- Mêềng ở với người Kinh lâu quá. Bài cúng cầu mưa quên rồi, nên giờ không biết cúng và cũng không cầu được. Còn cá thì người ta chích điện và cho nổ mìn chết hết rồi. Nhưng không sao, có đạo Phật đổ cá xuống sông rồi.
Tôi không hiểu kịp.
Vị thiền sư giải thích:
- Người dân tộc ở vùng sâu này, thấy Phật tử và chư tăng ni làm lễ phóng sanh cá, họ nói là đạo Phật đổ cá xuống sông.
Tôi hỏi vui: “Đổ cá ngựa” được không thiền sư?
Thiền sư nói:
- Tội lỗi! Tội lỗi!
Và đi đâu mất dạng.
Tôi đứng nhìn những chú cá nhỏ tung tăng trong dòng nước. Vui mắt. Lòng nhẹ nhàng thanh thản.


68 - Hắn muốn

 
Nghe vị thiền sư giảng có bốn hạng người. Thiền sư nói thêm, hắn là hạng người từ bóng tối đi ra ánh sáng. Hắn mừng.
Hắn xin quy y. Được chấp thuận.
Hắn trở thành đệ tử và Phật tử. Đâu chừng sáu tháng, hắn không muốn đi chùa nữa.
Có người hỏi hắn sao không đi chùa. Hắn trả lời ở nhà tu tâm.
Hắn nói thêm: Vừa coi thời sự vừa niệm Phật.
Một thời gian sau, mặt mày hắn tối sầm lại. Sợ quá. Hắn tới gặp thiền sư.
- Bạch ngài con muốn...
- Muốn tu tâm phải không?
- Dạ phải.
- Về nhà ngồi trước bàn Phật, mỗi ngày ngồi trước bàn Phật ba lần, sáng trưa chiều tối, mỗi lần tám mươi phút. Chỉ ngồi ngắm Phật, không nói, không cười, không suy nghĩ lung tung nhé!
- Dạ.
Hắn mừng. Vội về nhà ngay.
Ba ngày sau hắn xin gặp thiền sư.
Hắn nói:
- Khó quá thiền sư ơi!
Thiền sư cười hiền.
- Thôi đi tụng kinh!
Từ đó hắn không dám nói hai chữ “tu tâm”.



Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 65 & 66

65 - Áo gấm về chùa
 
Huynh đệ của họ xuất thân cùng một bổn sư. Họ được thầy tổ cho đi học. Sư huynh không được thông minh lắm. Cho nên sau khi học xong Phật học, chỉ biết về chùa gõ mõ tụng kinh.Sư đệ thông minh, ngoại giao giỏi, nên sau khi tốt nghiệp cử nhân, tìm đường du học.Sau sáu năm trở về, trông oai phong đĩnh đạc. Áo quần đẹp đẽ, tươm tất, phẳng phiu.
Họ gặp nhau ở chùa. Lúc này bổn sư của họ đã viên tịch. Họ tâm sự hàn huyên, nói triết Đông, Tây, kim cổ.
Sau khi điểm tâm, sư huynh nói:
- Hôm nay sư đệ nhiều khách lắm!
Sư đệ ngạc nhiên.
Một người, hai người, ba người... Rồi năm người mười người, từng tốp kéo nhau lại thăm.
Có người buột miệng, tán thưởng áo gấm đẹp quá. Cô bé con nhanh nhảu nói: Áo gấm về chùa...
Tất cả nhìn nhau không nói gì.


66 - Khác người

 
Hắn khác người từ nhỏ. Thước tấc, cân nặng và học hành. Không biết do nhân gì quá khứ mà hắn hay “ốm vặt”.
Lớn lên, “cái chuyện khác người” cũng không thay đổi. Học hành dở dang, từ lớp nhỏ lên lớp lớn. Hắn đi du học, một thời gian sau hắn quay về cũng khác người. Không có bằng cấp trong tay.
Hôm rồi, tình cờ vào thư viện, thấy quyển luận văn tốt nghiệp của hắn dày gần một nghìn trang giấy. Thủ thư nói hắn giỏi, viết ra mà không bảo vệ, bỏ về nước. Hóa ra hắn khác người thật rồi!
Bây giờ, hắn thay mặt và đại diện cho nhiều người và nhiều công việc khác nhau. Nhìn vào hắn ta sẽ biết ngay, quốc gia đó sẽ có một lớp người “khác người” kế thừa để lãnh đạo. Nghe tin rồi đây “thánh” nhân sẽ xuất hiện.
Mừng thầm.
Lại khác...
Có người khác vào chùa.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 63 & 64

63 - Quả báo nhãn tiền
 
Hắn sinh ra ở vùng quê nghèo. Đường học vấn dở dang. Lớn lên hắn lấy vợ sinh con. Hắn quyết định ly hương lập nghiệp mong đổi đời.
Hắn đưa cả gia đình vào thành phố lớn. Nghề thợ hồ giúp cả gia đình hắn đủ ăn, đủ mặc.Nhờ cần cù và chịu thương chịu khó nên ngày càng khấm khá, rồi giàu có. Không biết hắn có tin Phật hay không mà bỏ ra hai cây vàng thỉnh tượng Phật Quan Âm bằng đá quý cao khoảng 50 cm về thờ.
Mùa World Cup năm ấy hắn nổi máu cá độ, thua mất sáu trăm triệu. Vợ hắn thích đi Campuchia giải trí. Thế là nợ nần chồng chất, chủ nợ bủa vây.
Hắn tức đem tượng đá quý xuống đập nát đầu. Vừa đập vừa chửi: Thờ mà không linh thiêng!
Con cái nhìn thấy sợ hãi, hàng xóm ái ngại.
Hắn bán nhà trả nợ và trốn đi. Quay lại nghề thợ hồ ban đầu.
Hắn bị té từ lầu ba xuống đất, tay chân gãy, đầu bị tổn thương nặng. Vào bệnh viện, hắn được gỡ hộp sọ ra để điều trị.
Bây giờ hắn không còn giống con người. Những người biết chuyện nói hắn bị quả báo nhãn tiền.


64 - Nhiều chuyện


Hắn nghe có một vị thiền sư giảng dạy nổi tiếng. Tò mò, hắn đi theo mọi người đến chùa nghe thử.
Hôm đó vị thiền sư đang giảng dạy và đọc Kinh Bách Dụ cho Phật tử nghe.
Nghe mới chừng đâu mười câu chuyện, sang câu chuyện thứ mười một thì...
- Tu hành mà “nhiều chuyện”.
Tiếng ai đó vọng tới.
Cả đạo tràng hướng mắt tới nơi âm thanh phát ra.
Hắn ngượng, đứng dậy bỏ về.
Hóa ra trong Kinh Bách Dụ có những mẩu chuyện khiến hắn nhột, im lặng không được nên phát ngôn bừa bãi.


Nhặt bóng suy tư -  Phương Nhã Ka

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

NHẶT BÓNG SUY TƯ 61 & 62

61 - Bỏ chùa
 
Hắn quy y với một vị thiền sư nọ. Hắn đi chùa cũng thường xuyên. Tin trời Phật.
Vị thiền sư hằng đêm tụng kinh và niệm danh hiệu đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật là chính.
Hắn nghe người khác rỉ tai, nói và ca ngợi công hạnh của Phật A Di Đà. Nghe có lý, hắn bắt đầu âm thầm chống đối.
Cuối cùng, hắn bỏ chùa và rủ rê người khác bỏ chùa, đi tìm chùa nào có niệm danh hiệu Phật A Di Đà để tu học.
Vị thiền sư biết chuyện, nhưng ngài vẫn ung dung, cười cười và duy trì niệm danh hiệu bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Sau năm năm học Phật, nghe giảng, hắn hiểu và ngộ ra. Hắn về chùa và quỳ trước mặt vị bổn sư xin sám hối và khóc...
Vị thiền sư mỉm cười và nói:
- Đứng dậy, đi nấu nước sôi pha trà cúng Bụt!
Hắn đáp: Mô Phật.
Từ ngày đó, hắn hình thành thói quen truy tìm nguồn gốc các bộ kinh văn. 


62 - Cục... sắt

 
Một vị sư đệ tới thăm một vị sư huynh lớn tuổi. Tới chùa, vị sư đệ thấy trong sân chùa có một chiếc xe hơi mới tinh...
Gặp nhau xá chào. Vị sư huynh hỏi: Đệ tới đây bằng xe gì?
Vị sư đệ cười. Nếu không thấy chiếc xe hơi trong sân chùa lúc mới vào, thì sẽ nhầm sư huynh đang khai thị câu chuyện vua Di Lan Đà và ngài Na Tiên tỳ kheo.
- Dạ đệ tới...
Sư huynh biết mình lỡ lời, nên nói chữa...
- Dạo này tôi già rồi, đi lại khó khăn. Đi đâu cũng nhờ “cục sắt” trong sân chùa chở đi.
- Dạ. Cục... Cục sắt đó còn mới, tiện nghi lắm sư huynh. Khi nào đệ có công việc Phật sự ở xa, cho đệ mượn “cục sắt” nhé!
Sư huynh...
Có người tới dâng hương lễ Phật.
Chờ sư huynh nhé!


Nhặt bóng suy tư - Phương Nha Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 59 & 60

59 - Trốn nợ


Tết nào hắn cũng về quê.
Năm nay không thấy về.
Dưới quê tưởng hắn bịnh hay có chuyện gì quan trọng. Gọi điện. Máy báo không liên lạc được.
Không ai liên lạc được với hắn.
Một mùa xuân buồn.
Ra Tết lên thị thành kiếm hắn. Nghe tin hắn cao chạy xa bay. Để lại một đống nợ "kếch xù". Người ta đang tìm hắn. Kẻ đòi nợ. Người đòi mạng.
Cha mẹ hắn ngồi buồn rũ rượi như hai cái xác không hồn. Nhìn ngôi nhà hắn đem tiền về xây lòng đau đớn vô cùng.
Hắn làm chuyện ngược đời. Hy sinh đời hắn để củng cố đời bố. Hàng xóm biết tin nên nói được hai chữ “Thảo nào”.
Con thảo. Thảo nào!


60 - Tết niên


Hắn sinh ra ở miền quê. Lên thị thành lập nghiệp. Nghe đâu cũng có của ăn của để.
Hắn không thích đi chùa. Có đi chỉ đi theo chơi cho vui.
Năm rồi có người nhắn tin mời hắn ăn tất niên. Hắn đọc xong tin nhắn, bĩu môi với em hắn và chê người mời.
- Làm gì có tất niên. Dốt! “Tết niên”. Vậy mà cũng bày, vẽ chuyện.
Em hắn nghe vậy tội nghiệp. Nên nói:
- Tất niên là đúng rồi!
Hắn cãi chày cãi cối.
Hắn chê người ta dốt mà hắn dốt hơn người ta. Vì hắn ngu. Học hành không bao nhiêu. Lên thị thành chỉ suy nghĩ kiếm tiền nên quên mất chữ nghĩa.





Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

NHẶT BÓNG SUY TƯ 57 & 58

57 - Long vị và ảnh vị
 
Hắn làm gì thì không biết. Nhưng có vẻ oai phong và giàu có. Hắn chuẩn bị mọi thứ cho thế giới bên kia khi hắn lìa đời.
Đặc biệt hắn chú ý tới “long vị”.
Hắn cho người tìm mua một loại gỗ quý hiếm, hội đủ các yếu tố hắn yêu cầu, như hương thơm, vân gỗ, phẩm chất gỗ... Sau đó tuyển thợ chạm khắc tay nghề cao để chạm trỗ.
Dòng chữ và ý nghĩa hắn khắc thì phải nhờ đến các tay viết chữ đẹp người Hoa ở Chợ Lớn.
Thời gian làm “long vị” nghe đồn cả năm trời.
Khi đem về nhà và mở ra, thằng con trai hắn bĩu môi và lắc đầu nguầy nguậy.
Bày vẽ, chẳng hiểu chữ gì.
Cha con hắn cãi nhau và bất hòa từ đó. Hắn buồn. Hôm nọ hắn tìm đến một vị thiền sư người Việt Nam, tâm sự, mong tìm được sự sẻ chia.
Vị thiền sư cười hiền, rót trà mời hắn uống và nói:
Khi dân tộc chưa có chữ viết, chúng ta phải chấp nhận lệ thuộc “con chữ”. Nay quốc ngữ đã có thì hà cớ gì mà phải tự nguyện “nô dịch chữ viết”. Long vị và ảnh vị chỉ là một, trên đó ghi tên tuổi, ngày tháng năm sinh và mất, chứ không phải là báu vật linh thiêng.
Thôi thì nghe con mình để cho có hòa khí. Hòa khí thì sinh tài.
Con cái cãi cha mẹ chưa chắc trăm lần con hư cả đâu.
Hắn im lặng. Dạ lí nhí trong cổ họng. Hắn không vui lắm. Nhưng ngộ ra điều gì đó.
Hắn về nhà chủ động làm hòa với con.
Gia đình vui vẻ như chưa có gì xảy ra. Long vị hắn để đâu hay đem đi đâu trong gia đình không ai thấy nữa.


58 - Phước lai

 
Cả năm nay công ty hắn làm ăn thất bại, nợ nần chồng chất.
Buồn.
Hôm rồi, hắn được nhờ đưa đón một vị sư. Hắn đi cho xong nhiệm vụ.
Hắn nghe vị sư giảng, chữ được chữ không.
Ngày tiễn vị sư ra về. Hắn nhờ vị sư chỉ cho hắn tu tập. Vị sư nói:
Chú bị người ta giựt nợ tiền tỷ còn tâm đâu để tu tập.
Hắn giật mình.
Hôm rồi hắn ghé chùa. Nhà chùa nhờ hắn thiết kế một cây cầu cho dân nghèo.
Vị sư nói thêm cứ yên tâm mà thiết kế. Hoan hỷ với công việc khi đang làm nhé.
Hắn dạ vâng.
Đang thiết kế cầu. Hắn báo tin. Con trúng thầu đợt này rồi sư ơi. Phước con tới rồi.
Phước tự lai bất khả cầu.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 55 & 56

55 - Nỗi buồn không tên
 
Buồn có lý do là “buồn có tên”. Buồn chính đáng. Nếu không có lý do, một là bắt chước nhà văn, nhà thơ buồn vu vơ chơi. Hai nữa là “hâm”.
Hắn hay buồn hâm lắm. Chẳng phải xót thương cho sự thế. Cũng không phải thương vay khóc mướn. Càng không đủ xúc cảm trước biến thiên của vạn vật. Thế mà hắn buồn được mới tài giỏi chứ.
Người thời không biết, nói hắn hâm. Không phải nhé!
Quả thực hắn buồn theo thời tiết. Cứ thời tiết thay đổi là hắn đổi thay.
Đi bệnh viện, người ta phán hắn rối loạn chức năng gì đó. Nên nhạy cảm với thời tiết.
Hắn cười.
Trước khi chết, hắn tiết lộ đó là khả năng thiên phú. Hắn đặt tên là “buồn ẩm ương”.


56 - Khi “đại gia” chết


Nghe tin hắn chết. Họ kháo nhau vì sao chết. Chủ yếu là hỏi nguyên nhân. Hắn nhà cao cửa rộng. Bốn cái nhà lộng lẫy. Một cái nhà hàng to đùng.
Người ở xa nghe tin, tội nghiệp, chết không kịp ăn Tết.
Hắn ăn nhiều chục cái Tết rồi. Sung sướng, phè phỡn. Trắng da dài tóc. Đi đâu cũng lớn giọng.
Tin hắn chết đầu hôm. Sáng hôm sau nhà hắn bị vây chật kín người. Toàn là chủ nợ.
Con cái hắn quỳ lạy van xin cho được yên ổn, để lo ma chay. Không được. Cơ quan công quyền vào cuộc.
Vội vã qua loa. Hỏa táng xong, tối lẵng lặng đem tro cốt vào chùa. Để trước sân. Con cháu trốn mất trong đêm.
Con của đại gia, bây giờ chỉ còn bộ áo quần dính thân. Thảm cảnh.
Tro cốt vào chùa mà ân oán chưa hết. Vong linh của con cháu chủ nợ nhìn hắn cười mà hắn tưởng nhe răng nuốt sống.
Sư trụ trì biết nên thiết lễ cầu siêu, thuyết linh. Lúc đó hắn mới yên tâm nghe kinh.Con hắn lang bạt, nghe đâu đứa thành kỹ nữ, đứa vào trại giam. Còn vợ và thằng út đã gặp hắn sau vụ tai nạn.
Nhân quả báo ứng nhãn tiền. Tội nghiệp.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Nhạc Phật đản - NHẬP THAI VÀ ĐẢN SANH

NHẬP THAI VÀ ĐẢN SANH
Nhạc và lời: Lưu Ka

Ngày ấy, vương thành Ca Tỳ La Vệ
Đức vua Tịnh Phạn cùng hoàng hậu Ma Gia
Đầy đủ phước duyên, nên đã mang thánh thai nơi trần thế
Hạ sinh thái tử, dung mạo phước tướng đẹp như thiên thần

Ngày đó, tiên nhân hiệu A Tư Đà
Đến chào, xem tướng thái tử Tất Đạt Đa
Trầm ngâm, khóc than, tiên đoán rằng: xuất gia sẽ thành Phật
Ở lại cung thành sẽ làm được bậc chuyển luân thánh vương.



Điệp khúc

Nam Mô Đâu Suất giáng trần, Ma Gia ứng mộng, hoàng cung thác chất, hiện trú thai tạng.
Đồng hòa vang câu : Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nay con Đâu Suất xuống trần, xin Ma Gia hoàng hậu, thân con gởi hoàng cung, ẩn trú trong thai mẹ
Đồng hòa vang câu : Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


Ngày sau, thái tử rời cung tầm đạo
Xuất gia tu học, trở thành đấng giác ngộ chí tôn
Khai chuyển pháp luân, thành lập Tăng đoàn, thâu nhận đồ chúng
Nên có tân hiệu, Sa môn Cồ Đàm, Như Lai, Đức Thế Tôn.


http://youtu.be/4gLKOJq7ex0

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Nhạc Phật đản - KÝ ỨC PHẬT ĐẢN

KÝ ỨC PHẬT ĐẢN
Nhạc và lời: Lưu Ka

 
Mùa Phật đản năm xưa
Tôi là một em bé
Theo ba mẹ đến chùa
Dâng hương hoa cúng Phật
Đang lễ bỗng trời mưa.
...
Mùa Phật đản năm xưa
Sắc cờ bay khắp lối
Xe hoa rộn phố phường
Dòng người vui tấp nập
Âm nhạc cùng hòa vang.

Điệp khúc

Mùa Phật đản năm nào
Tôi dắt tay nhiều người
Trên môi hé nụ cười
Hòa niềm vui ánh mắt
Lòng ngập tràn yêu thương.
...
Mùa Phật đản năm nào
Đi tung tăng từng bước
Vững chãi giữa cuộc đời
Gieo duyên cùng mọi người
Tán thán Phật đản sanh.

....
Mùa Phật đản năm nay
Đêm trăng rằm sáng quá
Lại nhớ Phật đản xưa
Lễ vật xơ xác buồn
Oằn mình dưới trời mưa
....
Rồi mùa mưa qua đi
Phật đản lại sắp tới
Chân run không bước nổi
Hối tiếc thời son trẻ
Chạy nhảy và hát ca.


http://youtu.be/4PBjymhhw1I

 

NHẶT BÓNG SUY TƯ 53 & 54

53 - Ăn chay ngày Tết
 
Hắn bảo người nhà: Hôm nay mồng một. Cả nhà ăn chay nhé!
Cả nhà im lặng. Vì ngạc nhiên.
Không ai hỏi gì.
Mâm cơm chay trưa ngày mồng một đầm ấm hạnh phúc. Không khí xuân tràn khắp trong nhà.
Ăn xong, uống nước. Hắn có cảm giác không no. Hắn kêu chiều nay không ăn chay nhé.
Do nói nhanh người nhà nghe không rõ chữ “không”.
Bữa cơm chiều bưng lên, cơm chay, hắn ngửi nghe toàn mùi thực vật. Đứng dậy lẳng lặng lấy xe đi khỏi nhà.
Chạy qua nhà thằng bạn... Chúc Tết.
Xong.
Hỏi có gì ăn không.
- Có.
Một tô “bún bò” bưng lên. Hắn ăn ngấu nghiến. Khen ngon.
Ăn xong, hắn về nhà. Mặt vui mừng, hớn hở.
Vợ hỏi:
- Có gì mà anh vui thế?
- Mấy ngày tất niên ăn thịt cá quá nhiều ngán nên ăn thử đồ chay, nhưng nuốt không nổi. Qua nhà thằng bạn chúc Tết xong, ăn một tô bún bò ngon quá.
Vợ hắn cười.
Hắn ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại cười?
- Bún bò chay đó.
- Hả?! 


54 - Hạnh phúc mong manh

 
Hắn từ bỏ "cuộc chơi”, quay về trần gian vui với hạnh phúc mong manh.
Hơn hai mươi năm gặp lại, bây giờ hắn nhà cao cửa rộng, có ô tô lớn nhỏ. Miệng nói cười mà lòng chẳng được vui.
Hỏi hắn thì...
Hắn muốn quay lại “đường xưa lối cũ”. Ngặt nỗi, tuổi đã quá lớn. Hắn tiếc.
Hắn tâm sự, lúc trước đã gặp một cao nhân. Ông ta phán hắn một câu: “Nếu không vào chùa sẽ gặp tai họa đến nhân mạng”. Câu nói cứ ám ảnh.
Và rồi, chuyện đến. Nhà hắn bị trộm cướp. Hắn tiếc của nên chống trả quyết liệt. Nhiều nhát dao đâm xuyên vào người hắn. Đến bệnh viện kịp lúc. Thoát chết trong gang tấc.
Hắn sống. Những người thân yêu của hắn chết. Còn lại một mình. Cô đơn. Hiu quạnh. Ngẫm nghĩ.
Bài kinh Bát Đại Nhân Giác trỗi dậy trong đầu. Hắn nhận ra hạnh phúc của mình mong manh.
Không khóc mà nước mắt lăn dài trên má.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 51 & 52

51 - “Chú tiểu” già
 
Buổi sáng, ngày sám hối, tôi ghé chùa thăm hắn. Chùa vắng người.
Hắn trụ trì mà không phải trụ trì. Quần quật như một chú tiểu. Tội nghiệp!
Hắn chưa nuôi đệ tử? Hay không có đệ tử?
Hắn có Phật tử. Nhưng Phật tử bận rộn mưu sinh, nên hắn phải làm mọi việc.
Tối đến, hắn giảng kinh xong rồi sám hối. Đã nhiều chục năm như vậy mà nghiệp dĩ vẫn chưa buông tha.
Hắn bịnh hoài. Tôi hỏi tại sao tu hành mà bịnh.
Hắn nói:
- Nghiệp xưa đó mà.
- Tu là chuyển nghiệp?
- Đang chuyển. Nghiệp nặng phải chuyển từ từ. Không thể nóng vội.
Hắn nói mà lòng thanh thản nhẹ nhàng.
- Tối nay tới lạy Phật nhé!
- Dạ.
Dạo này hắn lạy nhiều hơn giảng. Ai hỏi hắn có băng giảng không. Hắn chỉ vào đầu, cười mà không nói thêm gì.
Hắn lạy Phật nhiều mà không biết mệt.
Người khác thì than mệt. Tại sao mệt? Họ lạy mà tâm không lạy nên mệt.
Lâu ngày họ bỏ chùa. Mỗi nhà sắm một dàn máy. Đến ngày ba mươi, mười bốn, họ mở lên, nằm võng nghe sám hối. Nghe ngủ quên lúc nào chẳng hay biết.
Hôm rồi họ tới chùa khoe:
- Nghe kinh ngủ ngon thật!
Một con rắn bò ngang qua.
Chú tiểu ở đâu tới, đưa thiệp thỉnh.


52 - Nhớ gì cho bằng

 
Mùa Vu Lan về, nhiều người đến chùa dự lễ.
Trong chánh điện, vị sư trụ trì đang giảng nhớ ơn sinh thành, phương pháp báo hiếu song thân cho kẻ còn người mất.
Vị sư đang nhắc đến công ơn cha mẹ, phận làm con phải nhớ...
Nhạc từ loa người bán băng đĩa dạo cất lên. “... Nhớ gì cho bằng hơn nhớ người yêu…”.
Mọi người trong đạo tràng cười hoan hỷ. Vị sư im lặng, chờ âm nhạc đi xa.
Trong đạo tràng có một người không biểu lộ cảm xúc. Vị sư để ý.
Sau khi lễ xong, sư kêu hắn lại và hỏi chuyện.
- Đạo tràng ai cũng hoan hỷ với ca từ trong bản nhạc đó. Sao con không có cảm xúc?
- Dạ. Con đang cố mà không được.
- Tại sao phải cố?
- Dạ, con chưa có người để nhớ.
- À ra vậy!
Năm mươi năm nay, hắn bị bịnh. Nay mới lành. Năm nay cũng vừa tròn năm mươi tuổi.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Nhạc Phật đản - KỶ NIỆM ĐẢN SANH

Kính thưa Quý thiện nam, tín nữ, Phật tử xa gần.
Bài KỶ NIỆM ĐẢN SANH  là một bản nhạc mà tác giả Lưu Ka sáng tác và hòa âm phối khí để quý vị hát và múa cúng dường ngày Đức Từ Phụ đản sanh.
Nếu qúy vị có nhu cầu xin vui lòng gởi email vào hộp thư thichquangdat@gmail.com chúng tôi sẽ chuyển cho quý vị 3 File PDF, Melody, Av (văn bản chính, file tập, nhạc nền).
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát tác đại chứng minh.

Tỳ Kheo Thích Quảng Đạt
SĐT liên hệ: 099 505 3681

KỶ NIỆM ĐẢN SANH 
Nhạc và lời: Lưu Ka

Hôm nay Đức Phật Thích Ca giáng trần
Hương hoa dâng cúng kỷ niệm đản sanh
Sắc cờ tung bay ngập tràn khắp lối
Tiếng nhạc ngân vang chào đón Thích Ca Ngài.

Hôm nay Đức Phật Thích Ca giáng trần
Nhân gian vui đón kỷ niệm đản sanh
Phật tử mười phương hòa đồng tán thán
Xướng tụng kinh văn chào đón Thích Ca Ngài.

Điệp khúc

Trần gian vui mừng sự kiện đản sanh
Người đem chân lý, trao đến muôn loài
Chuyển hóa nghiệp chướng, dứt trừ vô minh
Diệt tham sân si, khai nguồn trí tuệ
Trước cứu đời mình, sau cứu độ chúng sinh

Hôm nay Đức Phật Thích Ca giáng trần
Reo vui ca hát kỷ niệm đản sanh
Người người hân hoan, bạn bè nô nức
Phát nguyện noi gương cố gắng để tu hành

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật


http://youtu.be/XcAo-zHPF0Q

 

BUỒN ƠI - Nhạc và lời Lưu Ka ... tự mình hót

Hôm nay, ta đi lang thang với một tâm trạng vô cầu vô chấp... Bất chợt qua cầu Sài Gòn rồi cầu Rạch Chiếc... Kỷ niệm xưa kia chợt hiện về... Cuộc chiến ngày ấy ta còn rất nhỏ, chỉ mới 9 tuổi đầu, vậy mà hôm nay những hình ảnh âm thanh ấy cứ ùa về...
Ta nghe lòng trỗi dậy điều gì đó... nên ngâm nga bài nhạc Buồn Ơi của Lưu Ka mới sang tác.
Nay đưa lên blog xem như là lời tâm sự của "một nữa tác giả"


 








NHẶT BÓNG SUY TƯ - 49 & 50

49 - Làm từ thiện
 
Hắn là bạn của tôi. Nhà đang có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.
Năm rồi, hắn đi du lịch Ấn Độ.
Sau đó về hắn đòi đi tu. Con hắn can ngăn mà hắn không chịu nghe lời.
Con hắn biết tôi thân với hắn nên gọi điện nhờ giúp đỡ.
Tôi hỏi hắn vì sao đi tu.
Hắn nói:
- Đi để làm từ thiện.
- Từ thiện gì?
Hắn muốn qua Ấn Độ, xuất gia và nấu cơm cho mấy đứa trẻ mồ côi trong chùa ăn.
Tôi hỏi : Sao không bỏ tiền ra thuê vài người nấu? Một mình thì nấu được mấy người ăn?
Hắn ú ớ.
Tôi hỏi dồn:
Còn đi xuất gia, năm nay đã gần sáu mươi tuổi rồi, liệu còn học hành gì được nữa không?
Hắn cười hiền.
- Nếu có tâm thì cứ ở nhà lo làm kinh tế. Kiếm tiền ủng hộ các chùa hay các hội từ thiện là đủ.
Còn vào chùa lấy thân mà đứng nấu cơm thì nên suy nghĩ lại kẻo con cháu nó buồn.
Không biết hắn nghĩ sao.
Tết này, con cháu hắn vui vẻ quây quần bên hắn.
Nội ơi! Ngoại ơi! Nghe rất vui tai. Mặt hắn hồng hào. Dung nhan rạng ngời.


50 - Trả nợ

 
Ngôi chùa nọ xảy ra rất nhiều chuyện.
Bổn đạo trong chùa cứ lục đục với nhau hoài.
Ban hộ tự họp bàn, định thỉnh một vị tăng về trụ trì.
Ba ngày sau, có một thiền sư đi ngang qua chùa. Nghe tiếng đại hồng chung phát ra âm thanh không “thanh tịnh”. Nên ghé vào chùa xem thử.
Thiền sư đưa tay xoa xoa mấy cái và lầm thầm chú nguyện điều gì đó không rõ.
Trước khi ra về thiền sư cho biết:
- Chuông chùa này do một đại thí chủ phát tâm cúng dường. Nhưng lúc phát tâm không thanh tịnh mà chỉ có ý trả nợ. Dòng họ của gia đình ấy phạm tội ăn cắp đồ vật của chùa, nay làm có tiền cúng chuông để trả nợ cũ. Nên âm thanh của chuông nhiều ân oán. Tôi đã chú nguyện xong. Hóa giải rồi, chùa bình yên không sao cả.
Phật tử loay hoay rót nước mời thiền sư. Bưng nước lên không thấy bóng dáng thiền sư đâu cả.
Từ hôm đó đến nay, Phật tử và bổn đạo của chùa hòa thuận. An lạc.
Mới hay, cúng dường mà tâm không thanh tịnh, nơi nhận, kết quả không tốt đẹp gì.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ - 47 & 48

47 - Hậu sinh
 
Hắn là em của tôi. Đi tu sau. Tuổi nhỏ hơn.
Hôm rồi, hắn gọi điện báo là hắn nhận chùa trụ trì rồi. Không chỉ một ngôi chùa mà ba ngôi.
Tôi khen: “hậu sinh khả úy”.
Hắn mời tôi khi nào có dịp ghé thăm chùa hắn.
Từ đó đến nay, hắn không gọi điện nữa.
Tôi hiểu hắn hơn ai hết.
Hắn báo chỉ để ... Tôi thì tưởng... nhiều quá.
Còn trẻ mà ý thức “ngoại giao” giỏi quá lại làm hại mình.
Hôm rồi, hắn vào Sài Gòn, ghé tôi. Kể lể. Nghe mệt cả đầu. Nghe xong. Tôi nói:
- Trụ là trụ tâm, trì là trì ba la đề mộc xoa. Trụ Như Lai xứ, trì Như Lai sự. Trụ trì là phải có cái tâm phụng sự. Chưa được cái tâm ấy nên quay về nương tựa đức chúng mà tu học.
Hắn im lặng.
- Tôi thích “ưu ba ni sát” hơn đi trụ trì.
Tôi nói thêm.
Hắn cười.
Sau đó, hắn bàn giao chùa lại cho giáo hội.
Hiện nay hắn đang nhập thất.
Tôi mừng.


48 - Cá nghe kinh

 
Nhà hắn cách chùa vài chục mét. Nhưng không bao giờ đi chùa. Cha hắn mất. Hắn qua nhờ nhà chùa lo ma chay.
Xong việc. Hắn cám ơn rồi thôi.
Một năm sau hắn đem con cá “la hán” qua chùa biếu.
Tôi hỏi sao không nuôi. Hắn nói:
- Đem cá cho chùa, để cá nghe kinh.
Hắn nói có lý. Tôi nhận.
Hắn thì không bao giờ nghe kinh. Ngược lại lo cho cá.
Ngày sau, tôi cho người khác nuôi.
Hắn hỏi:
Cho chùa sao chùa không nuôi?
Tôi nói:
Cá này giống con.
- Sao vậy thầy?
- Nó lười nghe kinh.
Hắn cười bẽn lẽn.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

NHẶT BÓNG SUY TƯ 45 & 46

45 - Sắc không
 
Hắn giỏi nhiều phương diện, nhất là Phật pháp. Tôi quen hắn đã lâu nhưng ít khi nghe hắn lý luận “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”.
Tôi hỏi: Sao không nghe ông nói cái giọng điệu “Sắc - Không” như những người khác?
Hắn cười hiền đáp:
- Sắc - Không đó là để tu tập khi vướng mắc. Đặc biệt là người đang hành trì.
Chứ cuộc sống không vướng bận gì, đem của báu ra người ta tưởng...
- Tưởng gì?
Hắn đưa ra một là, hai là, ba là...
À ra thế ! Tôi lạy hắn ba lạy. Hắn ngồi im. Lúc này hắn mới lên tiếng: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Quả thực hắn đã “liễu” nhưng không biết đã “ngộ” chưa?
Quả thực liễu ngộ không hai thì hắn đã chứng đắc. Nếu là hai thì hắn cũng đã “vào nhà” rồi.


46 - Sắc đẹp

 
Hắn trụ trì một ngôi chùa ở thành phố. Do học hành và tu tập lôi thôi, nên nhận thức về “Sắc - Không” có vấn đề.
Hôm nọ, hắn quyết định đi làm đẹp.
Tiếng "lành" đồn xa.
Hắn tức. Đuổi hết đám học trò “nhiều chuyện”. Tổng cộng là mười hai "em hạ sơn" sớm.
Hôm rồi, có một thiền sư gặp hắn.
Thiền sư khen: Hảo tướng! Tướng hảo!
Nhưng giả tướng phá mất chân tướng. Chân tướng là thật tướng, thật tướng là vô tướng.
Hắn... Mô Phật. Nhưng mặt buồn thiu.
Từ đó về sau, hắn không màng đến “hảo tướng” nữa.
Nhiều năm gặp lại. Thiền sư nói:
- Xú tướng là ngoại tướng. Ngoại tướng là giả tướng. Nội tướng là thiện tướng, tâm tướng, giải thoát tướng, chân thật tướng, niết bàn tướng... là giả lập tướng.
Hắn... Mô Phật. Mặt tươi như hoa sen vừa hé nhụy.
Tháng sau, các "em hạ sơn" sớm về thăm hắn. Vì nghe tin hắn bịnh nặng.
Hắn lấy tư cách cá nhân sám hối đại chúng. Giọt nước mắt thắm tình đạo vị lăn dài trên đôi gò má.
Đại chúng im lặng.
Chuông chùa ngân vang.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 43 & 44

43 - Vô tự y thư
 
Hắn chỉ biết gõ mõ tụng kinh. Hắn chưa học qua nghề thuốc.
Bố mẹ hắn bịnh nặng. Bệnh viện trả về. Hắn về nhà thăm. Hắn ngồi bên cạnh, không niệm Phật. Không nói một câu. Thỉnh thoảng ông bà hỏi gì thì cũng trả lời chừng mực.
Hắn để một quyển sách cũ trước mặt. Sách không có chữ.
Hắn nhìn sách, rồi nhìn ông bà mỉm cười. Ông bà cũng mỉm cười lại.
Sau bảy ngày, bịnh tình ông bà đỡ nhiều.
Ông bà hỏi hắn đang trị bịnh phải không.
Hắn không trả lời trực tiếp mà chỉ trao quyển sách không có chữ cho ông bà. Hắn chỉ ông bà cách đọc “vô tự y thư”.
- Không khởi tâm tìm kiếm chữ trong đó.
- Không nôn nóng đọc hết sách.
- Không suy nghĩ chuyện khác.
Lật sách ra vuốt lên vuốt xuống mặt sách một trăm lần, không dư không thiếu, rồi lật qua trang khác.
Cứ làm như thế cho đến khi nào mà không cần đếm số lần nhưng vẫn đúng và đủ.
Ông bà “luyện” vô tự y thư rồi khỏi bịnh hẳn.
Thời nay, nhiều thứ bịnh lạ.
Vô tự y thư là sách thuốc lạ.
Đúng thuốc, bịnh nào cũng lành.
Bịnh lạ không tìm ra nguyên nhân, vô tự y thư có lẽ là một hy vọng.


44 - Nối nghiệp

 
Hắn được sinh ra trong một gia đình “cao thủ”. Ba và mẹ hắn gặp nhau ở một nơi mà mọi người hay đi du lịch.
Hai người đi ngang qua nhau. Sau năm phút, thấy trên tay bị mất đồng hồ. Bên kia mất sợi dây chuyền. Quay trở lại tìm kiếm, thì thấy trên tay hai người có hai vật khác nhau. Họ trả lại và quen nhau từ đó.
Không bao lâu sau họ tiến đến hôn nhân.
Hắn là kết quả của “mối tình trộm cắp”.
Hắn nằm trong bụng nghe và nhớ thuộc lòng những gì ba mẹ hắn bàn bạc trước khi đi...Sau chín tháng, mẹ hắn chuyển dạ. Ba hắn mời bà mụ đỡ đẻ.
Mẹ tròn con vuông. Nhưng hai bàn tay hắn nắm chặt.
Ba mẹ hắn rất buồn, vì không có người kế nghiệp. Quyết định đưa hắn tới bệnh viện làm phẫu thuật.
Khi khám và chụp X quang, thấy trong tay hắn có chiếc nhẫn hột xoàn. Hóa ra, khi chào đời tiện tay, hắn lấy chiếc nhẫn của bà đỡ.
Ba mẹ hắn mừng ra mặt.
Hổ phụ, hổ mẫu sanh hổ tử. Con hơn cha là nhà có phúc.
Có người nối nghiệp. Tiệc mừng linh đình.
Hắn bị tai nạn do đua xe, dập tay, phải tháo khớp.
Hắn buồn. Nhớ nghề. Nhúc nhích làm vết thương nhiễm trùng. Hắn qua đời. Không còn người nối nghiệp.



Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

NHẶT BÓNG SUY TƯ 41 & 42

41 - Chuông đoạn hồn
 
Trước chùa của một thiền sư nọ, có một vài nhà làm nghề đồ tể.
Cứ chuông khuya ngân lên là có tiếng kêu la thất thanh của các chú lợn bị thọc tiết.
Tội nghiệp. Xót xa. Nhưng không thể khác.
Có nhiều hôm, thiền sư mệt, dậy trễ. Các chú lợn có thêm một giờ tuổi thọ. Có hôm, thiền sư ngủ quên, chú lợn sống thêm một ngày. Cái giá của ngủ quên là các câu chửi xéo của nhà đồ tể.
Bây giờ đã có đồng hồ báo thức. Cụ chuông không còn bị hàm oan là “chuông đoạn hồn” nữa.Chuông vẫn ngân vang, đều đặn năm này qua năm khác. Nhưng tiếng gào thét của các chú lợn không còn.
Vì họ đã đổi nghề. Có người bán nhà ra đi.
Yên bình.
Tiếng chuông khuya từng nhịp ngân vang.


42 - Đi xem con “Gấy lấy Nhôông”

 
Tôi ghé thăm xứ Nghệ vào đầu Đông năm đó. Đang đưa mắt nhìn cảnh thiên nhiên. Chợt nghe mấy đứa nhỏ í a í ới reo lên.
Đi xem con “gấy lấy nhôông”.
Tôi hỏi thằng bạn đi bên cạnh.
- Chuyện gì vậy?
Hắn trả lời:
- Hiểu chết liền.
Tôi căn cứ nghĩa chữ “lấy” để suy diễn nghĩa của câu.
Tôi biết dân Quảng Bình, Quảng Trị, Huế. Con gái trong phương ngữ gọi là “con cấy”. Chồng nói là “dôông” hoặc “giôông”.
Còn đây là “gấy” và “nhôông”. Có lẽ suy diễn của tôi đúng.
Hôm rồi, gặp cô giáo dạy toán xứ Nghệ. Tôi hỏi thử “Dà ả có con cấy lấy dôông chưa?”
Cô giáo cười.
- Xứ Nghệ mêềng nói con “gấy lấy nhôông” ạ.
Ôi! Văn hoá vùng miền thú vị thật!
Phương ngữ lên sân khấu làm vơi đi những phiền muộn trong cuộc sống.
Tôi yêu phương ngữ.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 39 & 40

39 - Lười học
 
Hắn là bạn học cấp 1 và cấp 2 của một vị thiền sư. Lâu lắm không gặp.
Hôm rồi hắn về nhà bố mẹ thiền sư xin số điện thoại. Hắn gọi cho thiền sư, gởi con của hắn đi tu.
Thiền sư hỏi: Thằng nhỏ bao nhiêu tuổi? Học lớp mấy?
- Nó 14 tuổi và học lớp 8.
- Thằng nhỏ thích đi tu à?
Hắn nói thằng nhỏ không muốn học và học không nổi, đòi đi tu.
Thiền sư từ chối và định im lặng để giữ tình bạn ấu thời.
Hắn nói mãi. Thiền sư đành phải nói thật.
- Đi tu cũng phải học. Ngày nay bắt buộc phải tốt nghiệp lớp 12. Ở nhà học không nổi thì vào chùa không học được. Trong chùa nhiều việc phải học. Nặng lắm!
Hình như hắn chưa hiểu hết. Tưởng là đi tu sẽ giải quyết hết mọi vấn đề.
Thiền sư khuyến khích thằng nhỏ cố gắng học hết lớp 12 sẽ nhận làm đệ tử. Hắn mừng. Thằng nhỏ mừng.
Con hắn tốt nghiệp. Đậu đại học. Tình yêu thời sinh viên chớm nở.
Bây giờ, hắn đã có cháu nội.
Chúng tăng là bậc xuất trần thượng sỹ.
Khổ và gian nan.
Lười học làm sao kham nổi.


40 - Cành đào xấu số

 
Gần đến Tết, hắn vui mừng. Hy vọng lên bàn thờ ngồi, hoặc ngồi ở phòng khách nở những nụ hoa màu hồng làm đẹp cho đời.
Hắn rời vườn di cư vào phương Nam. Sống vật vờ trên các vỉa hè nắng nóng, khói bụi của Sài Gòn.
Khách tới ngắm. Khen. Ngã giá. Lật qua lật lại. Không mua.
Ngày này qua ngày khác, ngột ngạt trong bao đất. Chật chội bởi những sợi dây bó chặt. Hắn buồn nhưng chưa hết hy vọng.
Ngày 30 Tết.
Sáng. Trưa. Chiều. Tối.
Khách đến. Rồi đi. Không ai rước. Hắn vẫn kiên định. Chờ đợi giờ phút cuối.
Cuối cùng nghe tiếng xe đến. Họ kéo hắn lên xe rác. Hắn xót xa, đau đớn cho thân phận.
Rời nhà vườn, hắn đâu ngờ số phận mình bạc bẽo đến thế.
Nằm trong bãi rác, cảm nhận giao thừa đã đến, hắn cố nở những nụ hoa. Sáng mồng một Tết, trên đống rác, những nụ hoa đào nở.
Những người bạn côn trùng ghé thăm và chúc Tết.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Nhạc Phật đản - THÀNH CA TỲ LA VỆ - Bản hòa âm mới

Nhạc Phật đản -  THÀNH CA TỲ LA VỆ
Nhạc và lời: Lưu Ka
(file Melody) - Bản hòa âm mới


Ngày xưa, trăng tròn, của tháng tư về
Loài người, chứng kiến, sự kiện đản sanh
Tin loan nhanh, đến khắp nơi trong thành
Tưng bừng, chào mừng, thái tử Sĩ - đạt - ta.

Ngày xưa, vương thành, Ca Tỳ La Vệ
Hoàng triều, chứng kiến hoàng hậu Ma Gia
Sinh hài nhi, phước tướng như siêu phàm
Sau này, thành Phật hoặc chuyển luân thánh vương.

Điệp khúc

Trần gian ơi, bao đêm dài u tối
Không có Ngài, chỉ lối, lối mịt mờ
Không có Ngài, nghiệp chướng cùng chung lối
Không có Ngài, đời con mãi dại khờ.


Ngày nay, chúng con quỳ dưới chân Ngài
Lạy mừng đấng giác ngộ đã đản sanh
Ban an vui, cứu khổ cho muôn loài
Lễ bày, kỷ niệm đại lễ Phật đản sanh




NHẶT BÓNG SUY TƯ 37 & 38

37 - Sương cười trên cành liễu
 
Hôm nọ hắn đi Đà Lạt. Đi một mình. Hắn đi tìm...
Một quá khứ rơi rụng trên thành phố mộng mơ. Ngày cũng như đêm, ăn xong là hắn lấy xe đi ba hồ: Tuyền Lâm, Than Thở, Xuân Hương...
Hắn "ngồi đồng" hàng giờ ở cạnh hồ.
Tối đến hắn thả bộ dọc bờ hồ Xuân Hương. Hắn đi nhưng không để tâm nhìn mọi vật. Hắn nghe sau lưng tiếng ai vọng tới: Sương cười trên cành liễu kìa. Nghe không?
Hắn chợt tỉnh, đứng lại đưa mắt nhìn. Cây liễu này đã bị thay thế. Nhưng đúng là chỗ này ngày xưa hắn nghe câu nói đó.
Câu nói như một câu thoại đầu mà hắn ôm ấp lâu năm. Hắn nhìn theo người nói trong ánh đèn. Dáng người quen quen. Người hôm nay hay người xưa. Hắn quay gót trở về phòng.
Hôm sau hắn về lại quê hương.
Miệng lẩm nhẩm câu “sương cười trên cành liễu”.
Tuần sau hắn qua đời. 


38 - Bút hiệu


Lá số tử vi nói hắn có thể trở thành văn sỹ.
Hắn ôm mộng, viết văn, làm thơ nhưng chẳng báo nào chịu đăng. Hắn tức, muốn làm cho ra ngô, ra khoai.
Tòa soạn trả lời. Giọng văn và ý tứ cay cú quá không thể đăng được. Hắn không từ bỏ. Cứ viết. Cuối đời bản thảo xếp gần cả kho.
Hôm nọ, có người tới thương lượng đòi mua bản thảo của hắn. Giá rất cao. Nhưng với điều kiện, được thay đổi bút hiệu của hắn.
Hắn xin vài ngày suy nghĩ.
Hắn không vui.
Con cháu thấy vậy hỏi.
Hắn nói muốn thay đổi bút hiệu.
Con cháu tán đồng.
Có người tới lấy bản thảo. Giao xong.
Ngày hôm sau hắn qua đời.
Những tác phẩm của hắn sau này bán rất chạy. Nhưng không phải tên của hắn.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 35 & 36

35 - Bạn hắn
 
Hắn kể hắn có mấy thằng bạn thời đại học. Không thân thiện lắm, vừa đủ uống cà phê.
Hôm rồi hắn nằm viện. Không thằng nào vào thăm cả. Cũng không thằng nào gọi điện thoại.
Sau một tháng xuất viện, về nhà. Hắn lên Facebook thấy tin nhắn, chia sẻ, động viên an ủi. Đọc xong, hắn ngồi cười. Từ đó đến nay hắn giã từ Facebook, từ giã thế giới mạng.
Hỏi hắn:
- Sao không lên mạng?
- Hắn cười hiền.
Hỏi hắn: Bận rộn hả?
- Hắn nói thất nghiệp.
Hỏi hắn: Khỏe không?
- Sắp chết.
Hôm rồi ghé nhà, thấy ảnh của nó trên bàn thờ.
Đốt ba cây nhang, lí nhí nói lời xin lỗi rồi ra về.


36 - Vô ngôn

 
Hắn đã ngoài năm mươi tuổi. Có học. Có công việc đàng hoàng.
Dạo này hắn thích đi chùa. Bắt đầu học Phật khoảng ba năm. Chủ yếu nghe băng. Lên mạng đọc bài. Thỉnh thoảng cũng đi chùa.
Hắn có sư phụ hẳn hoi. Hôm rồi hắn ghé thăm một vị thiền sư. Hắn nói toàn Phật pháp.
Hắn cứ nói theo ý hắn hiểu. Nghe hắn nói hoài, thiền sư thử coi hắn hiểu bao nhiêu về Phật pháp.
Thiền sư nói: Đạo Phật là đạo vô ngôn mà nói chuyện gì?
Hắn chết điếng người.
Hắn nói thiền sư nói đùa. Làm gì có chuyện đó.
Thiền sư biết hắn chưa đạt được thâm ý của Phật pháp.
Thiền sư lãng tránh và đổi đề tài. Có lẽ lần sau hắn sẽ ngộ được. Nhưng hơi lâu...
Đến gần cuối đời. Hắn gọi điện cám ơn thiền sư.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

NHẶT BÓNG SUY TƯ 33 & 34

33 - Phước báu hữu lậu
 
Hắn cũng tu hành giống như một thiền sư nọ. Ngặt một nỗi là thiền sư “nghèo” và không có “tiếng tăm”. Thiền sư biết được nhân quá khứ của mình không có, không tốt... nên hôm nay không có quả.
Thiền sư an phận và vui với những gì đang có ở hiện tại. Người đời mấy ai thấu đáo? Nhân thế nhiều người tin hắn là phải. Bởi...
Hắn quen “tai to mặt lớn”. Phước hữu lậu dồi dào.
Hôm rồi nghe nói hắn bị bịnh đau đầu mười năm không chữa khỏi. Đi hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia.
Hắn ra miền Trung hy vọng gặp được y sư giỏi. Quả thật hắn có phước. Gặp được “cao tăng”.
Hắn được khuyên nhập thất, ăn gạo lứt, muối mè một tháng. Nếu giảm bịnh thì ăn suốt đời.
Hắn đang cố nhai, hay vừa nhai vừa cười.
Không ai được phép thăm hắn.
Thiền sư ra thăm cũng chỉ viết giấy nhét qua khe cửa chứ không thể gặp mặt.
Thôi thì nhai từ từ nhé. Vạn pháp cũng nhai từ từ. Tu hành có “đốn” cũng có “tiệm”.
Cứ từ từ, thong thả mà nhai và cứ lai rai mà cười.
Nghe đâu mười cũng giảm được một.
Hy vọng hắn ăn suốt đời sẽ trường thọ.


34 - Trên Facebook

 
Hỏi hắn gì hắn cũng không nói, dù vui hay buồn. Gặng mãi, hắn trả lời cụt ngủn.
Trên facebook. Hóa ra tất cả buồn vui, nhân tình thế thái, sở học Đông Tây... hắn đều viết rõ ràng từng ngày, từng giờ.
Lời nói vô bằng, gió thoảng mây bay không đọng lại. Viết ra con chữ đã qua ba lớp tư duy, không còn hời hợt dại khờ. Thật mà không thật. Giả mà không giả.
Nghe có vẻ hơi hám nhà Phật.
Quả đúng.
Hắn đã vào chùa ở hẳn làm công quả.
Bây giờ hắn đang "hành là chính”. Nên hắn ít nói.
Chỉ viết.
Sau này muốn nói gì cũng có bằng chứng.
Hắn nói tôi đã hiểu được một nửa của hắn.
Còn một nửa thì...
Tôi đang cố hiểu.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka 

NHẶT BÓNG SUY TƯ - 31 & 32

31 - Dễ dàng
 
Hắn vừa tròn 30 tuổi, tuổi lập thân cũng như lập nghiệp.
Hắn cũng có vợ, nhưng vợ bỏ.
Hắn đã có con, nhưng là con của vợ.
Hắn buồn. Hắn tìm đến với đạo.
Nhờ thông minh, có trí nhớ tốt nên thuộc “một mớ” Phật pháp.
Hắn tới chùa tranh luận.
- Đời là khổ.
Gặp phải “tăng thiệt”.
- Đồ nhu nhược. Nhai bã Phật pháp.
Hắn tức. Đỏ mặt đi về.
Hắn gọi điện trình bày với một thiền sư khác. Hắn muốn tìm đồng minh chia sẻ.
Chờ hắn nói xong. Thiền sư nói:
- Phật pháp của chú thì học vẹt, nhận thức thế gian thì rối bời, làm xấu chữ Bi, Trí, Dũng của Phật tử.
Hắn cúp máy cái cụp.
Hắn chưa nhận ra thực tế cuộc sống. Vì hắn còn sống với tâm niệm của tuổi đôi mươi.
Hắn giận.
Hắn thích chút đường, muối, gừng pha. Ớt cay quá không chịu được, phỏng miệng.


32 - Hờn mát

 
Hắn có cái “bịnh” không bỏ được. Bịnh “hờn mát”.
Vui thì hắn đưa ruột ra ngoài. Tốt bụng. Ai cũng thương.
Giận hờn thì thôi khỏi phải bàn.
Hắn thích chuyện phải ra ngô ra khoai, rõ ràng, rành mạch.
Hắn chỉ làm được những chuyện lặt vặt thôi. Chuyện lớn một chút là hắn chịu thua.
Hôm rồi hắn đi chùa nghe giảng. Đến câu “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.
Hắn “ngộ” ra gì đó, cười khúc khích.
Từ đó về sau bệnh hờn mát khỏi hẳn. Bây giờ ai nói gì hắn cũng cười, hồn nhiên vui vẻ.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Nhạc - Mang âm hưởng Phật giáo - BUỒN ƠI

BUỒN ƠI
Nhạc và lời: Lưu Ka


Buồn ơi... Buồn từ đâu tới, sao ta mãi quay quắt buồn

Buồn ơi... Buồn từ đâu đến, sao lòng ta cứ chênh vênh
Buồn ơi... Buồn là dĩ vãng, hay đùa vui trong hiện tại
Ta đang mơ hồ khi không nhận ra ai.

Buồn ơi... Tình đời yêu mến, xa nhau vẫn lưu luyến hoài
Buồn ơi... Người đường chung lối, đêm về ai nhớ riêng ai?
Buồn ơi... Ngoài thềm rêu phủ, bóng người xưa kia chợt hiện
Bao nhiêu vui buồn, ùa đến ngập hồn tôi.

Buồn đến buồn đi, không lời hò hẹn
Trùng lắp nhiều lần, đến nỗi thân quen
Thiếu vắng, lòng buồn, hồn ngẩn ngơ
Dõi mắt đợi chờ, tâm kiếm tìm những ký ức xưa.

Buồn đến buồn đi, sao ung dung tự tại
Khiến người ở lại đau xót tâm can
Khiến người ở lại đầu óc miên man
Khiến người ở lại, mãi cứ lang thang trong cuộc đời.


Buồn ơi... Buồn từ thuở ấy, theo ta trong kiếp sống này
Buồn ơi... Chân tình xa vắng, hay là chút đắng âm vang
Buồn ơi... Buồn là tri kỷ, với nhũng người nhiều sầu hận
Ta chưa một lần, oán trách chuyện buồn vui.






http://youtu.be/ico9PhaSkVM

NHẶT BÓNG SUY TƯ 29 - 30

29 - Sỏi đời 
 
Hắn biết tôi qua người thân. Hắn gọi điện. Thói quen của tôi là xưng danh tánh và tuổi tác.
Hắn mới hai mươi tuổi. Giọng pha ba miền dễ thương. Nhưng cái đầu thì khoảng trên bốn mươi.
Hắn lăn lộn với đời khá sớm, thậm chí quen biết cả xã hội đen. Nên trong cách nói và diễn đạt “bay mùi” khiến người nghe nhận ra.
Ông bà dạy “gần mực thì đen”, hắn cũng không ngoại lệ.
Hắn lỡ làng nhiều chuyện, nên đau khổ. Cũng may hắn còn biết đi chùa.
Hắn tự nguyện đi ư?
Không phải.
Bị rủ rê ư?
Cũng không phải.
Người ta bắt hắn đi ư.?
Gần đúng. Chứ chưa phải.
Ai bắt hắn...?
Giấc mơ ám ảnh.
Hắn giao tiếp thông minh, tinh khôn chứ không chân thành.
Rồi hắn phát hiện ra. Sự sỏi đời của mình lừa mình.
Kinh nghiệm là vốn quý nhưng đôi khi lại giết chết trái tim.
Hiểu rồi thì đã mất.
Tiếc.
Rút kinh nghiệm.
Lại là kinh nghiệm.


30 - Khác nhau

 
Hắn yêu người khác đạo. Dòng họ lời ra tiếng vào. Cha mẹ cấm đoán. Hắn cố thuyết phục.
Chỉ “thuyết” thôi chứ tất cả không “phục”.
Hắn liều. Ra chính quyền đăng ký kết hôn. Tụi hắn chính thức thành vợ chồng.
Chuyện đã lỡ, cha mẹ cũng phải bấm bụng hỏi cưới cho đẹp mặt.
Thời gian ngắn tình yêu đơm hoa kết trái là lúc hai người hai nơi. Chỉ vì cái chuyện khác tôn giáo.
Xung đột tôn giáo trong gia đình đẩy lên thành cao trào, xuýt nữa thì xảy ra án mạng.
Hiểm họa khác nhau về tôn giáo nằm trong một con người còn khó khắc phục. Hà huống nằm giữa hai con người hoàn toàn khác nhau về văn hóa, nhận thức, lối sống, niềm tin...
Buồn bã, hắn tới chùa hỏi tôi: Vì sao vậy thầy?
Tôi trả lời: Không biết.
Nhưng thống kê cho thấy, ít có kết thúc tốt đẹp.
Tôi nói bâng quơ:
- Món ăn thì nhiều, hợp khẩu vị thì ăn. Đã ăn thì nhai. Lỡ nhai... nếu không nuốt được thì...
Có người vào thăm chùa.
Lại thêm một người yêu nhau khác tôn giáo.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 27 & 28

27 - Thầy của con
 
Hắn ở đâu lù lù xuất hiện.
- Mô Phật. Chào thầy.
Thầy khỏe không? Thầy đi tu lâu chưa? Thầy về đây ở lâu chưa? Chùa mình nghèo quá.
Tội nghiệp! Thầy có biết Hòa thượng “A” không?
Hắn làm một hơi.
- Vâng. Tôi biết. Có gì không chú?
- Hòa thượng là bổn sư của con đó. Làm chức to lắm. Đi đâu cũng có kẻ hầu người hạ.
- Thế à!
- Dạ.
- Vậy chắc chú giỏi Phật pháp nhỉ?
Hắn cười cười.
- Chú thuộc kinh không?
Hắn ậm ừ.
- Thôi chú về đi. Về chùa nói với thầy của chú đưa kinh cho học nhé.
- Dạ. Thầy chỉ cho con được không?
- Thầy cũng bận rộn lắm.
- Dạ. Thầy làm lớn à?
- Ừ! Thầy nổi tiếng là “lười”. Thầy có một bằng “Lùi sỹ” được Phật chứng nhận.
- Hả? Thiệt không thầy?
- Đến giờ thầy lười rồi. Chú về nhé!
Hắn ra về mà không hiểu gì cả.
Hôm sau thấy hắn trước cổng chùa nghèo.


28 - Mất gốc

 
Hắn đầu thai một nơi. Sinh ra một nẻo. Được ba tháng hắn theo gia đình tha phương cầu thực. Cứ bốn năm nhà hắn đổi chỗ ở một lần. Hỏi quê, hắn nói không biết.
Xa gia đình và đi “lang bạt” vào độ tuổi “trăng tròn” nên hắn quên nhiều thứ ở gia đình.
Đi hoài đến lúc mỏi mệt. Hắn về thăm nhà. Bố mẹ hắn mừng vì đã lớn, còn nguyên vẹn thịt xương, nói năng trôi chảy, văn chương lưu loát.
Mẹ hắn nhờ hắn ra cái cộc sau chái, lấy mấy trự mua bị nác. Hắn ngớ người ra không hiểu.
- Răng mà lạ rứa? Trôốc mi. Chắc trôốc côộc rồi, nỏ hiểu phải khôông?
Hắn lí nhí...
- Dạ.
Mới hay biết mình đã mất gốc. Mất gì còn cứu vãn. Mất gốc. Mất văn hóa thì... Khó chữa trị vô cùng.



Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

NHẶT BÓNG SUY TƯ 25 & 26

25 - "Đồ quỷ"
 
Hắn và tôi cùng tu tập trong một chùa. Học chung lớp, chung trường. Ra trường đường ai nấy đi. Mười năm không gặp lại.
Hôm rồi nghe tin hắn “bỏ cuộc chơi” về nhà lấy vợ. Nay được hai cháu.
Tôi ghé nhà hắn, trước thăm, sau tìm hiểu nguyên nhân.
Hắn vẫn giữ được cái chắp tay xá chào, còn biết dạ thưa.
Mẹ hắn thì khóc lóc với tôi. Tôi an ủi vì biết rằng đây là giọt nước mắt chân thành của bà.
Bà nói “quỷ” dụ dỗ con bà.
Tôi cười nói: Chỉ có "quỷ" mới dụ dỗ được "quỷ".
- Thôi Bác! Duyên nghiệp hứa hẹn của hai đứa từ kiếp xa xưa còn. Cứ hoan hỷ chấp nhận tất cả.
Bà cụ dạ vâng.
Bây giờ hai vợ chồng giàu có. Ít đi chùa. Nói đúng là không đi. Bởi lúc này hai đứa thành “quỷ ông, quỷ bà” thật rồi, không dám tới chùa.
Ngẫm lại mẹ hắn nói đúng.
Mình nói cũng đúng.
Vì "quỷ" rất sợ đến chùa.
Hóa ra chúng là "quỷ" thật!


26 - Đệ tử

 
Hắn gặp trục trặc. Người khác mách bảo đi chùa quy y lấy hên. Hắn tin. Đến chùa hắn xin thiền sư quy y làm đệ tử. Thiền sư thấy không được nhưng không thể từ chối. Đó là nguyện vọng chính đáng và bình thường.
Thiền sư có luật bất thành văn. Muốn quy y thiền sư phải thuộc chú Đại bi, thuộc Bát nhã tâm kinh, thuộc chú Vãng Sanh, thuộc chú Tiêu Tai Cát Tường và chú Thất Phật Diệt Tội. Hắn muốn được quy y nên cố gắng học. Và rồi thiền sư cũng phải làm lễ quy y cho hắn. Lễ xong, có pháp danh, hắn biến mất từ đó.
Thiền sư biết hắn không có tâm đạo. Mặc dù khi quy y thiền sư giảng dạy và dặn dò rất kỹ.
Biết mà vẫn không tránh được. Đúng là “sư tầm đệ tử nan”. Cổ nhân than vãn không phải là không có lý.
Chỉ còn biết nói hai chữ: Thôi kệ!


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 23 & 24

23 - Nụ mai sớm
 
Hắn nở không gặp thời. Chẳng ai quan tâm. Thậm chí ngắt bỏ đi, để cây còn có sức nuôi nụ hoa xuân.
Cũng là hoa. Cũng là mai. Nhưng bị hất hủi giống như cỏ rác. Bởi cái tội nở sớm không làm đẹp cho con người.
Bao nhiêu hy vọng và hoài bão từ khi còn nằm dưới bộ rễ. Mệt nhoài, trăn trở, lo âu, phấn đấu để đơm hoa.
Rất tiếc vì... không gặp thời.
Phải rồi. Người xưa còn thở than “thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”. Hiểu thế thời là hiểu được pháp hữu vi, là pháp đối trị, không phải chân lý.
Hắn đã gần như ngộ ra. Lìa cành sớm trước khi chủ nhà vườn đưa tay ngắt.
Không ai đau. Không hận thù. Không nhân quả. Nụ hoa thành rác. Rác thành phân. Nuôi gốc mai. Chờ ở tương lai. Chữ “thời”.


24 - Gió buồn

 
Ở miền Nam có một ngọn gió. Vào khoảng tháng mười âm lịch là bắt đầu thổi. Ngọn gió rất buồn.
Khi gió thổi “tứ đại” trong hắn man mác, đôi lúc làm uất nghẹn... cảm xúc rất lạ, khó tả thành lời. Càng có tuổi, đi về vùng thôn quê cảm giác ấy càng rõ rệt.
Có một vài năm, gió đến trễ. Hắn nhớ gió. Bây giờ, hắn không bị ngọn gió chi phối khiến hắn buồn, mà hắn “tự buồn”.
Mới hay buồn cũng là một thói quen khó bỏ. Đôi khi nghiện với nó.
Có lẽ “nó” là mặt trái của niềm vui và hạnh phúc. Không có nó không nhận ra cái kia?
Hay buồn là vốn bẩm sinh của nhân loại? Thôi thì cứ mong nó đến. Không có lại nhớ.
Nhớ ngọn gió buồn.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nha Ka