Một thoáng Diêm Phù

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

NHẶT BÓNG SUY TƯ 85 & 86

85 - Tiếc của
Hắn ở chùa đã lâu mà không chịu ăn tương chao nên trong máu và trong não không có chất ấy.
Hắn tậu một chiếc xe máy còn nguyên trong thùng, mới toanh. Hắn kêu thợ tới lắp ráp. Ốc vít được bịt vải trước khi vặn, lý do sợ trầy xước. Tháo bửng cất, kiếng chiếu hậu cất vào tủ thay vào bằng “hàng nhái”. Thậm chí hắn cho người mua ống nhựa bịt hết gác chân, vì sợ gác lên sẽ mòn. Hắn thương xe hơn mẹ của hắn.
Hắn dựng xe cũng vô duyên, ai nhắc xe mà chân chống cà mặt nền kêu thành tiếng hắn cũng xót, thậm chí lên tiếng mắng mỏ. Hắn suýt ăn bạt tai vì cái tội tiếc của vô lý.
Bây giờ, hắn tay yếu, chân run, mắt mờ... xe không còn giá nữa. Thân thể hắn cũng đang mất dần giá thì còn nghĩ gì đến xe. Tu hành giới thân huệ mạng không tiếc, mà tiếc bửng nhựa và cục cao su gác chân.
Chẳng tiếc. Chẳng thương. Nghiệp hắn vậy. Hắn thấy vui.

86 - Sương thấm áo
Hắn đi tu đã lâu. Miệng mồm nhanh nhẹn. Mắt cũng tinh anh. Nhà chùa thấy vậy cho hắn ra quản lý một tiệm cơm chay.
Hắn đi học rồi về, ra tiệm quản lý và điều hành. Nhân tiện đó hắn bán thêm băng đĩa và một ít kinh sách. Buôn bán lâu ngày nhiễm thói “con buôn” lúc nào chẳng hay.
Mở miệng ra không nhớ kinh Phật mà nhớ đến giá cả các mặt hàng, thậm chí nhớ cả giá đô la và vàng.
Hôm nọ có các vị thiền sư lỡ đường ghé tiệm ăn cơm. Ăn xong hắn nói: Con xin cúng dường bữa ăn này. Người thọ nhận niệm Phật tri ân đứng dậy ra về.
Vị thiền sư ra khỏi cửa tiệm, nghe tiếng hắn vọng ra bảo với người làm: Tính coi tổng số tiền bàn đó bao nhiêu.
Vị thiền sư cười và lắc đầu. Đi trong sương lâu quá sẽ ướt áo.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 83 & 84

83 - Ước gì
Một con rùa, một con cá và một con chim. Chúng là bạn bè của nhau. Quy ước một năm gặp nhau một lần bên mép nước để kể cho nhau nghe chuyện trên trời, dưới nước.
Cá kể chuyện dưới nước, chim lắng nghe chăm chú, thích thú. Trong khi đó rùa tỏ vẻ khinh khỉnh. Cười hô hô.
Đến lượt chim kể chuyện trên trời dưới đất, cá nghe đăm chiêu, lờ đờ, mơ màng. Rùa im lặng không phản ứng.
Đến lượt rùa, thì rùa chỉ nói: Tôi đồng ý những gì cá kể, và chim kể. Bởi tôi sống được trong hai môi trường. Tuy có điều, chim nhìn tôi và cá, nói chúng tôi “nhỏ nhoi” thì không thể chấp nhận được. Anh dẫn chứng cụ thể mới thuyết phục được chúng tôi.
Chim liền chứng minh, vỗ cánh bay vút lên cao nói vọng xuống: Các anh chỉ bằng hạt cát thôi.
Rùa và cá nhìn nhau, cả hai cùng nói: Ước gì mình có cánh để bay lên cao nhỉ!
Chim đáp xuống, cũng nói: Ước gì tôi có thể đi xuống thủy cung nhỉ!
Cả ba nói lớn: Ước gì, ước gì, ước gì...


84 - Phóng sanh
Hắn đi tu đã lâu, nhưng không được mẫn tuệ cho lắm. Nghe nói phóng sanh có phước, hắn hưởng ứng rất nhiệt tình, thậm chí kiếm tiền đóng một chiếc tàu chuyên chở người và vật phóng sanh.
Ai muốn phóng sanh thì gọi điện báo trước để hắn sắp xếp mọi chuyện. Hắn chỉ biết phóng sanh các loài cá như cá trê, cá lóc, cá rô...
Hôm nọ có một vị trưởng lão gọi điện cho hắn. Trưởng lão xưng với hắn là:
- Con muốn phóng sanh thầy à!
Hắn nhanh nhẹn nói:
- Con muốn phóng sanh loại cá nào?
- Dạ. Con muốn phóng sanh chuột.
Hắn biết người ta trêu chọc hắn, nên cúp máy liền.
Choàng tỉnh. Hắn tần ngần. Chuột cũng là chúng sanh, là mạng sống. Hắn tìm đến chùa và đảnh lễ trưởng lão. Trưởng lão nói thêm phóng sanh có phước, phóng sanh có tội. Không sát hại và ăn chúng là phóng sanh rồi.
Hắn mô Phật. Lạy tạ ra về.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

NHẶT BÓNG SUY TƯ 81 & 82

81- Nhớ tiếng thầy ơi...

Năm ấy, tôi dựng tạm một cái am để ở và tu tập. Lúc đó vùng này là đồng ruộng vắng vẻ người qua lại. Tôi rất thích vì nó yên tĩnh.
Mỗi ngày đều gõ mõ tụng kinh. Ngày qua ngày bình yên lặng lẽ.
Vào một buổi trưa nọ, nghe có tiếng gọi:
- Thầy ơi!
Tôi nằm nướng không dậy. Lại nghe tiếng:
- Thầy ơi!
Tôi đi ra mở cổng, nhìn không thấy ai.
Chuyện được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiều tháng.
Trưa nào, tôi cũng cứ lọ mọ đi ra mở cổng hoài mà chẳng thấy ai tới thăm mình.
Bây giờ, dân cư đông đúc, tiếng nói cười, tiếng nhạc, tiếng ti vi... Không còn nghe ai đó gọi thầy ơi... Tôi cảm thấy nhớ.
Nhớ tiếng thầy ơi... giữa giờ Ngọ.

82 - Mua tắc kè của chùa

 
Không biết hai con tắc kè từ đâu tới chùa ở "tu học". Cứ mỗi khi hoàng hôn xuống, nó kêu tắc kè, tắc kè. Lâu ngày nghe cũng vui tai.
Tôi nhận hai đứa nó làm "đệ tử", đặt cho hai tên mới là Nhuận Tắc, Nhuận Kè.
Trưa nọ, có một người ăn mặc bảnh bao, chạy xe tay ga tới chùa nói:
- Thầy bán cho con con tắc kè của chùa nhé!
Tôi chưa kịp trả lời thì người đó tiếp:
- Thầy bán đi, lấy tiền đó làm phước hoặc lo việc chùa.
Tôi cười thầm. Nghĩ cũng lạ, đi mua tắc kè mà tới chùa hỏi mua sao giống như chuyện vào chùa mượn lược?
Tôi trả lời:
- Có gì bảy giờ tối nay con tới nhé! Bây giờ là giờ nghỉ trưa.
Đúng bảy giờ tối, chùa tụng kinh. Tụng kinh xong không thấy vị "khách hàng đặc biệt" lúc trưa đâu cả.
Có lẽ sau một thời gian dài (7 tiếng) vị khách hàng đã "giác ngộ", đổi ý không mua.
Con tắc kè như muốn tri ân kêu lên hai tiếng "hết tiền, hết tiền".


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHẶT BÓNG SUY TƯ 79 & 80

79 - Khi nghiệp tới
Mẹ chết. Cha bịnh. Hắn được nhà chùa cưu mang khi còn học lớp hai. Nhờ học giỏi, mỗi năm mỗi lớp. Được đi thi học sinh giỏi, có thứ hạng đem danh tiếng về cho chùa.
Hắn được đề nghị cạo đầu xuất gia làm chú tiểu. Hắn hoan hỷ bằng lòng.
Cuộc đời tu hành trôi đi êm ả, cũng tụng kinh niệm Phật, được đi học Phật học, đi học đại học ngoài, đi du học ở Mỹ. Phước báu đang đầy đủ, duy nhất chỉ thiếu cái tâm cầu khinh an và giải thoát.
Nghiệp tới, hắn bị bịnh, không tìm ra nguyên nhân bịnh. Kế tiếp cha già bịnh và nhiều chướng duyên khác cứ đua nhau tới.
Cuối cùng thì mỹ nhân tới. Quyết định cuối cùng là từ bỏ hạnh phúc lớn và bằng lòng với hạnh phúc nhỏ.
Có một vị thiền sư gặp nói rằng hắn yểu mạng. Hắn cười với nụ cười “duy lý”.
Y rằng, sau một năm hắn từ giã cõi đời.


80 - Ngộ
Ngày xưa các vị thiền sư ẩn dật tu hành, đức độ cảm hóa được muôn thú, trong đó có cọp.
Ngày nay cũng có các vị thiền sư như thế, thậm chí còn hơn thế.
Có thiền sư nuôi vài con chó và chơi với chúng. Mùi của chúng thấm vào áo quần, khi đi ngang qua người khác, người ta nói thiền sư hôi mùi chó. Người ta “nói đúng”.
Thiền sư ngộ ra và từ giã, không nuôi, không chơi với chó nữa.
Bây giờ, thiền sư nuôi chim họa mi và cu gáy. Không nghe ai nói gì.
Lại ngộ ra thêm điều nữa.
Ngộ ra... Ngồ ngộ.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

NHẶT BÓNG SUY TƯ 77 & 78

77 - Không biết
Sau khi tốt nghiệp đại học, hắn xây một cái “am” ở cho yên tĩnh để tu hành. Hắn về chùa của bổn sư, đắp y áo, chắp tay bạch thưa sư phụ.
- Sư phụ...
- Ừ... cứ từ từ...
Lên Sài Gòn hắn thưa với trụ trì nơi hắn đang tạm cư ngụ.
Trụ trì cũng ...
- Ừ.
Không thêm một chữ, không nói thêm một câu.
Xây xong, hắn ở yên tại Thiên Hương “am” tu tập, bài bản, không màng cúng kiếng, không bôn ba ở ngoài.
Có người về chùa bổn sư hắn, hỏi:
- Nghe đệ tử ngài xây thất ở Sài Gòn?
- Không biết.
Có người khác hỏi vị trụ trì nơi hắn tạm cư.
Cũng được trả lời hai chữ.
- Không biết.
Ngạc nhiên.
Có người tìm đến hỏi hắn tại sao cả hai ngài trả lời không biết.
Hắn cười và trả lời:
- Không biết.
Hóa ra không biết là “chân nhân”.


78 - Khi chó ở chùa ngã mặn
Một ngôi chùa nhỏ nọ có nuôi một con chó đen tuyền. Nó được đặt một cái tên cũng lạ. Tên Ô.
Ô ăn chay. Tối tối nghe tụng kinh. Cứ đến tam tự quy (tự quy y Phật, Pháp, Tăng) là nó sủa lên. Tiếng sủa vui mừng, nghe khác với tiếng sủa khi có người lạ viếng chùa.
Lâu ngày, những người Phật tử đi chùa tụng kinh để ý. Ô được mọi người yêu quý. Từ đó Ô được Phật tử mua cá hấp, thịt heo, thịt gà... bồi dưỡng.
Ăn quen miệng, Ô chê cơm chay nhà chùa, nhưng vẫn duy trì “phong độ” sủa mừng khi Tam tự quy.
Có điều, những ngày tụng kinh hơi lâu, đến khi trụ trì phục nguyện thì Ô cứ ư ư hoài. Đức kham nhẫn của Ô kém đi thấy rõ.
Hôm nọ, cửa mở, Ô mừng, chạy một hơi. Không kiếm được đường về chùa. Bởi khi chạy quên “đánh dấu” lãnh địa.
Cuối cùng Ô bị người ta đập, không chết. Ô lê lết về chùa. Mặc dù được các bác sỹ thú y chích thuốc và chăm sóc nhiệt tình, nhưng Ô đã trút hơi thở cuối cùng trong sự tiếc nuối của nhiều người.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka

NHĂT BÓNG SUY TƯ 75 & 76

75 - Kẻ trộm hoàn lương
Hai thanh niên con nhà ai không rõ, ban ngày vào tịnh xá lạy Phật, điều nghiên, lên kế hoạch đột nhập vào ăn trộm.
Khoảng chừng 4 giờ sáng, hai thằng trèo tường vào, không ai phát hiện.
Mừng.
Hai thằng leo lên cầu thang, vừa bước vào chánh điện, thấy hơn mười vị sư ngồi im phăng phắc. Hai thằng ăn trộm cứng chân không lê bước nổi, nên không thể chạy trốn.
Vị sư trụ trì tám mươi tuổi biết được điều ấy, nhẹ nhàng đi tới khuyên răn nhỏ nhẹ với chúng. Hai thằng dạ vâng lí nhí. Sư trụ trì tiễn hai chàng ấy ra khỏi cổng chùa. Từ đó hai thằng bỏ hẳn trộm cắp.
Từ đó tin đồn tịnh xá ấy linh thiêng.


76 - Cánh thiệp Vu Lan
Hắn bị bịnh, vào bệnh viện khám và chữa bịnh. Trước khi đi, hắn không quên bỏ vào túi vài chục cái thiệp Vu Lan. Thiệp có chữ ký, có con dấu đỏ hẳn hoi.
Hắn đưa thiệp mời các bác sỹ đến chùa dự lễ Vu Lan Thắng Hội.
Các bác sỹ nhận thiệp vui vẻ. Hắn cũng hoan hỷ trong lòng.
Khi khám xong, ra về, hắn thấy trong thùng rác có tờ thiệp mời hắn đưa lúc trước. Chạnh lòng, không khóc mà nước mắt rơi.
Hắn biết cánh thiệp Vu Lan đã đi nhầm địa chỉ.


Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka