Một thoáng Diêm Phù

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

VU LAN NHỚ CHA MẸ - NHẠC VÀ LỜI LƯU KA PNK tập hát




 VU LAN NHỚ CHA MẸ

Con nhớ mẹ già tần tảo vì con
Dung nhan vơi cạn sức khỏe hao mòn
Phấn son quên mất áo quần nhăn nheo
Hoài mong con lớn khôn ngoan nên người

Con nhớ cha già một thời đao binh
Mong manh thân mạng bởi nước non mình
Lớn lên con biết, biết rằng tương lai
Bình yên đất nước, cha mẹ đi xa

Người còn sống, cho nhau hiện vật, kim ngân
Người qua đời, ai cầm nắm giữ được đâu
Có cho nhau, cũng chỉ những tiếng kinh cầu
Tâm thanh tịnh, lễ bạc lòng thành khởi phát
Câu kinh vọng, Vu Lan báo hiếu mẹ cha

Con nhớ một chiều, một chiều đơn côi
Bơ vơ lạc lõng trôi giữa dòng đời
Chuông chùa vọng ngân, vui buồn quá khứ
Rụng rơi bên thềm, tâm tỉnh lặng. Không.

NHỚ PHẬT


NHỚ PHẬT
Thích Quảng Đạt

Sống và đi tìm lý tưởng sống cho riêng mình là điều tưởng như đơn giản, nhưng không hề giản đơn.

Tôi cũng có một thời ấp ủ những hoài bảo và ước mơ thánh thiện đến cháy bổng. Nhưng tất cả điều ấy, giờ đây chỉ là mỹ ảnh của lý tưởng một thời tuổi trẻ. Nói điều này ra nghe có vẻ như bi quan, nhưng những ai đã từng nhìn lại chính mình sẽ thấy đó là một sự thật. Chỉ có điều ai là người dám tự công nhận mình như thế? Thôi thì hãy để cho nó lắng yên, như những cặn bã trong một ly nước đang cầm trên tay ta.

Xuất gia học đạo là nguyện dấn thân học và hành theo những lời Phật dạy, để có được niềm vui, thanh tịnh, an lạc ngay trong kiếp sống này. Nói một cách cao thượng và mang hơi hám triết học là giải quyết vấn đề sanh tử của kiếp người, giải thoát ra khỏi tam giới, không còn bị luân hồi sanh tử chi phối.

Nhưng rồi một ngày, có một câu hỏi vừa nghiêm túc vừa thánh thiện đã làm dấy lên những “tham vọng” tiềm ẩn sâu kín từ bao đời nay. Thầy học hành như thế mà có làm việc gì không???. Câu hỏi ấy dường như giờ đây nằm ngay cửa miệng của rất nhiều người. Chính câu hỏi ấy đã cho chúng ta thấy cách dạy dỗ và truyền đạo của chúng ta đã ảnh hưởng như thế nào đến những người xung quanh?

Tôi nhớ thời còn đi học trường Phật học, có một vị giáo thọ sư thuyết giảng rằng, học với tôi là học để làm việc. Lúc đó tôi chỉ cười nửa miệng.

Thành thật mà nói là tôi rất khinh bỉ câu nói ấy. Tại sao người ấy không nói học với tôi để có được an lạc thân tâm, học với tôi để thăng hoa đạo đức, học với tôi là để làm Hiền thánh, học với tôi để được gặp Tổ, gặp Phật và để làm Tổ, làm Phật?. Hãy nói những điều cao thượng ấy để tưới tẩm những mầm thánh non dại có cơ hội nảy nở và đâm hoa kết trái. Mà ngược lại nói câu ấy ra chỉ kích thích lòng “tham vọng” cố hữu tiềm ẩn nhiều đời nhiều kiếp của mỗi chúng sanh. Người tu mà làm việc gì cơ chứ?. Việc gì cũng không ngoài hai chữ “giải thóat” cơ mà?

Trường đại học thế gian có một vị giáo sư nói, các bạn phải thay đổi quan niệm học của mình, là học để làm người, chứ không phải học để làm quan. Không phải học để “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Câu nói chỉ ngắn ngủi thế thôi nhưng giải quyết rất nhiều vấn đề. Mà quan trọng nhất là làm thay đổi tư duy cũng như nhận thức của mỗi cá nhân trong giảng đường. Sau này khi tốt nghiệp dẫu có xin được việc làm hay không thì vốn kiến thức đó cũng là trang sức quý giá trang điểm cho bạn, làm cho bạn trở nên con người hơn.

Nghe người mà ngẫm đến ta, cho nên tôi tự đặt ra những câu hỏi, rồi tự mình trả lời, để không hổ thẹn với chính mình. Câu hỏi tôi đặt ra: Ai cho tôi chùa ở?, Ai cho tôi cơm ăn? Ai cho tôi tiền bạc để trang trải những chi phí trong quá trình đi học? Và ai đã âm thầm bảo hộ tấm thân giả tạm này?. Công danh sự nghiệp ư? Đó là đồ cặn bả. Những danh xưng cao cả ư? Đó chỉ là trò ảo thuật của ngôn từ. Dù gắn trước đó những mỹ từ nào đi nữa thì tôi vẫn là một con người.

Rồi một ngày gió mùa thay đổi, tứ đại của tôi cũng cảm nhận ra điều đó. Nó cũng có những dấu hiệu khác thường. Biểu hiện đầu tiên là trong tôi dâng lên một niềm mang mác mà không rõ vui hay buồn. Nó xao xuyến làm tôi nghẹt thở, tự nhiên hai dòng nước mắt cứ vậy mà tuôn trào. Lúc này hình ảnh đức Phật xâm chiếm và ngự trị hòan tòan trong trong tâm trí của tôi. Càng nhớ đến Phật thì nước mắt càng tuôn ra. Lúc này sao tôi nhớ Phật da diết và thân thương đến thế. Ngài đã bắc chiếc cầu để tôi đi đến và nhận lại của tôi tất cả mà tôi nào có nhận ra. Nếu không có chiếc cầu ấy tôi không bao giờ đặt chân đến được kho báu của tôi. Tôi cứ tưởng rằng tôi tài giỏi, nhờ bằng cấp, nhờ tài ăn nói, nhờ có tiếng tăm…tất cả những điều tôi tưởng chỉ là những sản phẩm của ma quỷ tạo ra mà lâu nay tôi nào hay biết.

Nói theo tinh thần Phật giáo đại thừa thì nỗi nhớ nào cũng là vọng tưởng làm chướng ngăn thánh đạo. Nhưng thôi, dù có chướng ngăn, chưa giải thoát trong kiếp này thì nhớ Phật cũng là một phương tiện mượn vọng cảnh này để chế ngự vọng cảnh khác. Những ngày này với tôi là một thoáng hạnh phúc. Được nhìn lại chính mình và nhớ đến Phật, âu cũng là một thiện nghiệp.

VIẾT TẠI THIÊN HƯƠNG ĐẠO TRÀNG
QUÝ THU NĂM ẤT DẬU (2005)