Một thoáng Diêm Phù

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Ai khóc và khóc ai?

Ai khóc và khóc ai?
(tùy bút)
Nguyên Diên

Tôi và Ngài ra đời cách nhau hơn hai mươi sáu thế kỷ, ngày nay cứ mỗi lần đọc lại những trang sử đản sinh của Ngài, tôi chỉ biết khóc thầm và tự nguyện quỳ mọp xuống cung kính đảnh lễ dưới chân Ngài một cách thành kính mà không hề hay biết xung quanh đang diễn ra những điều gì khác. Khóc vì nhiều lẽ, Ngài thánh thiện quá, Ngài siêu việt quá, Ngài tuyệt vời quá… không có một mỹ từ nào ở trần thế này có thể ca ngợi và tán thán công hạnh của Ngài cho thật đúng nghĩa.

Khóc là một biểu hiện sinh học rất ư bình thường đối với tất cả mọi đứa trẻ sơ sinh như tôi. Tiếng khóc ngây thơ của mỗi sinh mạng bé bỏng đều mang theo những giá trị riêng biệt nhất định mà không ai có thể nào gặp lại lần thứ hai trong cuộc đời mình. Tiếng khóc của tôi không phải khóc “vì nỗi xót xa sự thế”, mà khóc vì những gì xa lạ đang xảy ra xung quanh tôi. Tôi đã quen và bằng lòng với thế giới chật chội, nóng nực trong thai mẹ, phút chốc bỗng từ bỏ nơi cư ngụ hơn chín tháng qua, vì vậy nên tôi đã phản ứng mạnh mẽ bằng cả tứ chi và tiếng khóc đó. Tôi đã ái nhiễm và luyến tiếc không muốn rời bỏ nơi ấy, dẫu biết rằng đó là quy luật tất nhiên của vũ trụ đất trời. Và rồi tiếng khóc định mệnh năm xưa ấy đã theo tôi trong suốt thời gian tôi hiện hữu trên cuộc đời này.

Năm tháng cứ dần trôi qua, tôi lớn lên và đã khóc, khóc rất nhiều. Khóc vì những trận đòn roi do tôi không biết vâng lời, ham chơi, biếng học. Khóc vì kết quả học tập thua kém bạn bè và sự nghiệp nay mai sẽ bị rơi vào chổ tối tăm, tuỵệt vọng, không lối thoát…

Lớn lên tôi đã khóc vì tình yêu bất như ý, đành ngậm ngùi chấp nhận để rồi lại khóc vì vợ vì con. Nhưng có lẽ do thiện duyên nhiều đời nhiều kiếp, tôi đã may mắn khóc vì có cơ hội gặp được chánh pháp, được thầy Bổn sư đồng ý nhận làm đệ tử xuất gia. Mỗi nhát dao đưa, từng sợi tóc dài phiền não trên đầu cứ rơi xuống, để lại sau lưng một quá khứ trầm luân sanh tử. Đáng lẽ ra tôi phải mỉm cười để từ giã nó nhưng sao tôi lại khóc thầm?, cầm nén không được tôi bật khóc lớn lên thành tiếng. Huynh đệ và thầy tổ ngạc nhiên và lúc này tôi không hiểu vì sao tôi lại khóc ù oa như một đứa trẻ trong vòng tay cha mẹ như thời thơ ấu vậy?!.

Đã xuất gia rồi mà tôi vẫn không sao hết khóc được. Khóc vì trí nhớ quá tồi không sao học thuộc lòng nổi bài chú Lăng Nghiêm, khóc vì nghiệp trạo cử, giải đãi, hôn trầm, phóng dật… cứ luôn theo tôi dai dẳng. Đường học đạo của tôi như chiếc xe quá cũ chạy trên con đường xa thẳm mà Như Lai đã để lại. Lắm lúc tôi muốn quay về tìm lại bến mê trong quá khứ để yên phận mình trong kiếp chúng sanh.

Tôi là người quá ư yếu đuối, thiếu bản lĩnh và nghị lực nên đã tìm đến trước Tôn tượng của Ngài để cầu xin và nói những điều rất vô lý. Nhưng khi đứng trước dung nhan toàn hảo và công hạnh vô biên của Ngài tôi không thể thốt lên được lời tôi dự định muốn nói. Tôi nhìn Ngài và Ngài cứ im lặng với nét mặt nghiêm nghị và nụ cười huyền diệu trên môi, lúc này tôi không khóc được mà nước mắt cứ rơi rơi mãi. Tôi nghiến hai hàm răng lại và nghe trong họng vị mặn đắng của kiếp chúng sanh đa nghiệp chướng.

Tháng ngày lại dần trôi, tôi cố gắng tinh tấn hơn trong các thời khoá tu tập cùng đại chúng. Một hôm cơn bạo bệnh đột ngột đến, gặm nhấm xác thân tứ đại giã huyễn này, từng cơn đau quặn xé, toát mồ hôi, tôi đã dùng hết khả năng sở học và hành trì của mình để mong hóa giải nó. Nhưng oái oăm thay, lần này tôi cũng lại thất bại. Nhưng có điều lúc này tôi không khóc thành tiếng mà thay bằng những tiếng hít hà kéo dài và một vài cái nhăn mặt để che giấu sự nghiệp tu hành vụng về của chính mình. Từ tiếng khóc ngây thơ lúc lọt lòng cho đến tiếng khóc bị tham, sân, si cũng như ngoại cảnh chi phối, cho dù có khác nhau nhưng đó là phản ứng quá yếu đuối của riêng tôi trên cuộc đời này.

Ngày đản sinh, tôi lại nhớ đến Ngài. Ngài chào đời không hề cất lên tiếng khóc. Ngài ung dung bước chân đi vào cõi Ta Bà khi vừa ra khỏi lòng mẹ. Những đóa sen hồng nâng đôi bàn chân bé nhỏ ngọc ngà của Bậc Đại Sĩ. Ngài không khóc, có lẽ vì Ngài đâu còn xa lạ gì ở cõi Ta Bà. Ngài đến đi thong dong tự tại như trở về thăm lại cố hương. Ngài hạ thế mang theo lòng bi nguyện và bức thông điệp nhằm khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Nhân thiên, hớn hở vui mừng, chào đón khi hay tin Ngài giáng trần hóa độ; muôn hoa đua nở, hương sắc ngập trời, chim hót líu lo, vạn loài hoan lạc. Chỉ nghe văng vẳng đâu đây tiếng gào khóc thảm thiết của ma vương, bởi từ đây quyến thuộc của chúng sẽ ít dần rồi đến lúc không còn nữa. Đấng tiên tri A Tư Đà đã cúi lạy Ngài và khóc vì tuổi mình đã quá lớn không còn có cơ may để học và tu theo giáo pháp mà Ngài sẽ chứng ngộ trong tương lai. Nhơn thiên thương tiếc, muôn loài khóc than khi Ngài từ bỏ cái thân giả huyễn để về nơi Niết Bàn bất sanh bất diệt.

Hôm nay ngày đại lễ Phật đản lại về, một lần nữa tôi lại khóc vì tôi và Ngài lại được một chúng sanh đa nghiệp chướng như tôi quỳ khóc dưới chân Ngài.

Viết tại THIÊN HƯƠNG ĐẠO TRÀNG
Mạnh Hạ năm Giáp Thân
- Phật đản lần thứ: 2628
- Phật lịch: 2547
- Dương lịch: 2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.