Một thoáng Diêm Phù

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Hành Hương Về Xứ Phật – (Kỳ I)

Loạt bài HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT của tôi viết năm 2006 và đã được Báo Giác Ngộ đăng tải năm 2007, sau đó được trang Bồ Đề Phật Quốc đăng lại.
Hôm nay chúng tôi còn loạt bài viết này là cám ơn BĐH của website BĐPQ
Trân trọng
Tỳ Kheo: Thích Quảng Đạt

CUỘC HÀNH TRÌNH VÀ NHỮNG “ĐIỀM LẠ”…

Tâm nguyện lớn nhất trong cuộc đời của chúng tôi là được đi chiêm bái các thánh tích của Phật giáo tại Ấn Độ. Nơi mà một thánh nhân của nhân loại đã đản sinh, chứng đạo, chuyển pháp luân, niết bàn và để lại cho đời một kho tàng kinh sách thuộc nhiều lãnh vực khác nhau.


Tâm nguyện năm xưa hôm nay đã trở thành sự thật khi chúng tôi bước chân theo đòan lữ hành East Sea, lúc 11giờ tại phi trường Tân Sơn Nhất, TP HCM. Sau 11 tiếng đồng hồ (2 tiếng bay qua Kuala Lumpur, 4 tiếng đợi chờ chuyến bay chuyển tiếp (transit) và 5 tiếng đi từ Malaysia qua Ấn Độ), đoàn chúng tôi đặt chân xuống phi trường New Dehli của Ấn Độ lúc 11 giờ đêm. Sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh đoàn chúng tôi được xe đón và đưa về tới khách sạn, lúc này là 12.30 h, tức là 2 giờ đêm giờ VN (múi giờ tại New Dehli muộn hơn giờ VN là 1.30 h)


Tiết trời se lạnh, cái lạnh đầu mùa đông, ban đêm khoảng từ 15-16oC, do độ ẩm thấp, không khí lạnh và khô nên có khá nhiều bụi.


Đòan chúng tôi thức dậy từ 5.30h sáng để chuẩn bị ra ga tàu lửa cho kịp chuyến tàu lúc 6.30h. Quang cảnh đầu tiên chúng tôi ghi nhận được là có rất nhiều người nằm la liệt trên sân ga, trùm kín chăn mền, chờ đợi chuyến tàu sáng hay là họ mượn sân ga làm nhà? Nhà ga tại New Dehli không được sạch sẽ lắm. Giờ tàu chạy cũng không được chính xác. Việc sai giờ và trễ tàu là chuyện bình thường tại xứ này. Giờ giấc của Ấn Độ là giờ “dây thun”, anh Doãn Tần hướng dẫn viên (HDV) đoàn chúng tôi nói đùa như vậy.


Đòan chúng tôi đến Lucknow bằng tàu lửa. Đưa mắt nhìn qua khung cửa kính của tàu, tôi thấy một vùng đất bằng phẳng chạy xa tít cuối chân trời. Không thấy một ngọn núi hay một ngọn đồi. Phải chăng bao nhiêu núi đồi đã dồn về phía Bắc, tạo nên một dãy Hymalaya hùng vĩ, để lại một bình nguyên bao la rộng lớn cho người dân của xứ sở này?.


Như chúng tôi đã nói, do đầu mùa đông, sau 4 tháng mùa hè qua đi (phía Bắc Ấn Độ chỉ có 3 mùa, mỗi mùa 4 tháng bao gồm mùa Xuân, mùa Hạ,và mùa Đông), mặt đất khô khan. Giữa bình nguyên bao la rộng lớn có một vài cây xanh thân gỗ, tươi tốt sum sê, nhưng không hiểu đó là cây ăn quả hay cây rừng. Một vài cây khô chết đứng giữa đồng trống nhưng không thấy ai đốn hạ để làm chất đốt?
Chúng tôi đến ga Lucknow, thủ phủ của bang Uttar Prades, phố xá đông người buôn bán nhưng toàn là nam giới. Ở đây nam giới đảm trách tất cả mọi công việc buôn bán, từ buôn bán nhỏ bên vĩa hè cho đến các trung tâm buôn bán lớn. Sau khi ăn cơm trưa, chúng tôi khởi hành bằng đường bộ đến Sravasti, bắt đầu chuyến hành hương chính thức đến đất Phật. Đến được Sravasti trời đã tối, về tới khách sạn nhận phòng tắm rửa và ăn uống xong đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm, cả đoàn mệt mõi. 


Những “điềm lạ”…


Đòan chúng tôi bao gồm 12 người, có đủ cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong đòan có người chỉ đi viếng thăm thuần túy, có người thì đi công tác, viết ký sự cho một tờ báo, số còn lại thì đầy đủ nghĩa của cụm từ chiêm bái. Trong đoàn có người đi nhiều lần, có người đi lần thứ hai còn lại là đi lần đầu.


Ba điều “may mắn” cho đoàn chúng tôi là anh HDV người bản địa thuộc công ty đối tác của công ty du lịch East Sea VN tại Ấn Độ là người mới vào nghề và lần đầu tiên anh đi về vùng đất Phật, bác tài xế cũng như anh HDV không hơn không kém. Thêm vào đó khi di chuyển trên lộ trình chính thức lại nhận được thông tin cầu bị hư. Vì vậy đoàn chúng tôi phải “hồi đầu” (quay đầu xe) liên tục. Chính nhờ “lầm đường lạc lối” nên đoàn chúng tôi chứng kiến được khá nhiều cảnh sinh sống cực khổ ở nông thôn vùng Bắc Ấn Độ. Hình ảnh “đầu đội trời chân đạp đất” ở xứ này là một nét văn hóa rất riêng không lẫn vào đâu được. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao đức Phật chúng ta cũng có cách sống tương tự.


Những giọt nước mắt đầu tiên rơi trên đất Phật


Chuông điện thoại reo, chúng tôi thức dậy, sau khi vệ sinh cá nhân xong cả đoàn ăn điểm tâm tại khách sạn, rồi đi chiêm bái rừng Thệ Đa tức là Kỳ Viên Tịnh Xá (Jetavanānāthapiṇḍadasyārāma). Trên đường đến chiêm bái Kỳ Viên Tịnh Xá chúng tôi ghé qua viếng thăm nhà của đại thí chủ, trưởng giả Cấp Cô Độc. Giờ đây chỉ còn lại nền nhà trơ mình dưới mưa nắng, đất đai xung quanh khô cằn, cây cối còm cõi. Nhìn thấy nền móng bề thế như vậy thì ai cũng phải công nhận Ông là một nhà giàu có thời bấy giờ. Điều ngạc nhiên nhất đối với tôi là vị thế và nền nhà của Ngài Vô Não (Aṅgulimālya). Nền nhà của Ngài Vô não cũng bề thế, hòanh tráng không thua kém nhà của Cấp Cô Độc. Hai nhà cách nhau chưa đầy 100 mét. Nếu đem nền nhà ra so sánh thì cả hai nhà đều gần bằng nhau. Phải chăng gia đình của Ngài Vô Não cũng giàu có tương tự như Trưởng giả Cấp Cô Độc?. 


Chúng tôi đến Kỳ Viên Tịnh Xá, nơi đây là một khu đất nhô cao hơn so với địa hình xung quanh, vị thế rất đẹp, ước chừng trên hai mẫu. Mảnh vườn này được trưởng giả Cấp Cô Độc mua lại của Thái tử Kỳ Đà (JetṛJeta), với cái giá phải trải vàng kín cả mặt đất. Tuy nhiên, do không thể lót vàng lên cây đồng thời thấy sự thành tâm của ông Cấp Cô Độc nên Thái tử Kỳ Đà đã phát tâm hiến cúng phần còn lại. Vì vậy mà trong kinh điển Phật giáo mới có cụm từ Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên (cây của thái tử Kỳ Đà, vườn thì của ông Cấp Cô Độc).


Sau khi mua vé vào cổng, đòan chúng tôi viếng bái cội bồ đề, đây là nơi Ngài A Nan (Ānanda) thường tọa thiền. Cách chiêm bái như vậy là để xin phép Ngài A Nan cho chúng tôi được đến chiêm bái Hương thất của Phật. Chúng tôi hành lễ như thời Phật còn tại thế, đi nhiễu ba vòng quanh Hương thất rồi quỳ sụp xuống lạy. Nước mắt cứ rơi trên nền gạch cũ. Tiếng nấc của nhiều người kìm nén không nổi đã vang lên. Một niềm an lạc vô biên tràn ngập trong tâm trí mọi người. Linh khí xưa kia còn phảng phất đâu đây, hình bóng đức Phật và Tăng đoàn như đang hiện hữu. Cũng tại nơi Hương thất này, có nhiều đòan Phật tử của nhiều nước trên thế giới đang hành lễ. Chúng tôi quan sát thấy nhiều đôi mắt đỏ hoe, những dòng nước mắt chưa khô kịp, những tiếng hít mũi sau khi khóc cứ vang lên làm nao nao lòng người.


Xung quanh Hương thất của Ngài thấy rất nhiều nền móng còn sót lại. Điều này minh chứng cho chúng ta biết rằng 1250 vị đệ tử của Phật đã từng lưu trú và tu học tại đây.


Rời khỏi Kỳ Viên Tịnh Xá, một cảm giác nhẹ nhàng an lạc theo tôi suốt đọan đường đến Lâm Tỳ Ni (Lumbini)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.