Một thoáng Diêm Phù

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Hành Hương Về Xứ Phật – (Kỳ II)

CHẤN ĐỘNG NHÂN THIỀN

Lâm Tỳ Ni và Việt Nam Phật Quốc Tự


Đến Ấn Độ là về thăm cội nguồn của đạo Phật, nơi sản sinh ra một vĩ nhân của nhân loại. Khi Ngài sinh ra thì nhân thiên hớn hở vui mừng, khi Ngài từ giả cõi trần huyễn mộng thì muôn loài thương tiếc khóc than. Hai nơi ấy còn lưu lại những vết tích, làm rung động lòng khách hành hương mỗi khi có dịp đến đây chiêm bái.

Theo chương trình chúng tôi đến cửa khẩu Nelal khỏang 17.00 h. Nhưng do ba điều “may mắn” nêu trên nên xe phải “hồi đầu” nhiều lần. Cả xe cứ niệm Phật cầu mong cho xe tới cửa khẩu trước 21.00h (vì sau 21.00h cửa khẩu giữa hai nước Nepal và Ấn Độ đóng cửa) Đức Phật như hiểu được lòng người xa xứ hành hương về quê hương của Ngài, nên đã âm thầm gia hộ chăng?. Cuối cùng, sau nhiều lần “hồi đầu” chúng tôi cũng đến được cửa khẩu. Chỉ cần trể thêm 5 phút là cả đoàn phải ngủ lại biên giới của hai nước.

Khách sạn cách vườn Lâm Tỳ Ni khoảng hơn 100 mét. Sau một giấc ngủ đêm, ăn sáng xong, chúng tôi thả bộ vào vườn Lâm Tỳ Ni để chiêm bái nơi đức Phật đản sanh, một trong tứ động tâm quan trọng của Phật giáo.


Vườn Lâm Tỳ Ni cũng rộng khỏang trên hai mẫu. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh tòa nhà màu gạch đỏ. Tòa nhà mới xây dựng gần đây để bảo vệ nền gạch cũ, nơi đánh dấu hòang hậu Maya lâm bồn hạ sinh thái tử. Bên trong được thiết kế bằng chiếc cầu ván đi xung quanh. Khách hành hương chỉ được đi trên cầu và đứng nhìn tòan bộ nền móng. Ngay chính nơi hạ sinh được đặt viên đá trong lòng kính để đánh dấu lại sự kiện này. Phía sau, bên ngoài ngôi nhà nơi bước chân thứ bảy của thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) là trụ đá được vua A Dục (Aśoka) dựng lên đánh dấu nơi thái tử một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói lên câu nói bất hữu “thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Sự kiện đản sanh của Ngài làm chấn động nhân thiên, sức lan tỏa hơn 2600 năm nay vẫn chưa bao giờ dừng lại. Chúng tôi và nhiều đoàn Phật giáo của các nước khác cùng hành lễ và tọa thiền trước trụ đá.


Bên cạnh là hồ nước nơi tắm cho thái tử Tất Đạt Đa, được xây dựng lại và bảo vệ trong rất đẹp, sạch sẽ. Kế đó là cội cây Vô Ưu “chứng nhân” sự kiện đản sanh. Chúng tôi thấy có nhiều người ngồi thiền và hành lễ tại gốc cây này.


Trên tấm bia giới thiệu đặt ở phía ngoài, chúng tôi thấy có “dấu vuông” của Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nơi đây đang phát triển khá nhanh và dần lấy lại được sinh khí, như tâm nguyện của hàng trăm triệu tín đồ Phật giáo trên thế giới.


Việt Nam Phật Quốc TựChúng tôi ghé thăm Việt Nam Phật Quốc Tự Lâm Tỳ Ni (VNPQTLTN) do TT Thích Huyền Diệu kiến tạo và trụ trì. So với nhiều ngôi chùa xung quanh như Srilanka, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mông Cổ, Trung Hoa Quốc tự… thì VNPQTLTN chưa xứng tầm với tên gọi của nó. Chùa của các nước hoành tráng, đồ sộ… mặc dầu khởi công sau VNPQTLTN, nhưng lại hòan thành khá sớm, một phần là do có sự hổ trợ tiền bạc của chính phủ nước họ. Riêng VNPQTLTN được xây dựng chính bằng khả năng, uy tín và phước đức riêng của TT Thích Huyền Diệu. Theo tôi, với khả năng tài chánh của một vị tu sĩ mà kiến tạo được một ngôi chùa như thế cũng đủ để cho người đương thời phải kính phục. Lịch sử hình thành và phát triển VNPQTLTN được trình bày chi tiết, tỉ mỉ trong tác phẩm “Khi Hồng Hạc Bay Về”, do NXB tổng hợp, TP HCM phát hành, nay đã tái bản lần thứ nhất.


Trước mặt ngôi chùa được “trang điểm” bằng mô hình dãy Hymalaya, nên đã che khuất khá nhiều mặt tiền kiến trúc của ngôi chùa. Theo chúng tôi, đây là điểm thiếu hài hòa trong kiến trúc. Công trình vẫn chưa hòan thiện, có lẽ là do thiếu kinh phí?


Các chú chim hồng hạc, một loại chim rất quý hiếm, đang sống bình yên bên trong khuôn viên chùa. Người có công lớn đầu tiên bảo vệ chúng chính là TT Thích Huyền Diệu. Hiện nay số lượng chúng sống ở trong khuôn viên chùa có lúc lên đến 66 con.
Chúng tôi có duyên được tiếp kiến và hầu chuyện với Thượng Tọa. Những ưu tư trăn trở của TT giờ đây quá lớn, lòng từ bi thương người mênh mông như biển cả. TT cho biết “đã vận động được đông đảo quần chúng tham gia hành hương vì hòa bình (peace pilgimage). Với tổng chiều dài là 508km và 25 điểm đến khác nhau. Thành công của Peace Pilgrimage, đã gây được sự chú ý của dân chúng và các nhà lãnh đạo của hai nước Nepal và Ấn Độ”
Tác phẩm Nepal – hòa bình trong tầm tay (Nepal – Peace is at hand) của TT được viết bằng tiếng Anh, xuất bản tại Nepal, rất tiếc chưa có được bản tiếng Việt. “tác phẩm này đã gởi tới nhiều văn phòng các thủ tướng của nhiều nước. Các người đứng đầu của các nhóm phiến loạn tại Nepal cũng đã đọc qua tác phẩm này. Họ đồng tình với những gì mà tôi đã viết trong đó. Hiện nay các nhóm đã tạm đình chiến được 3 ngày rồi” TT cho chúng tôi biết.


Nếu đất nước Nepal có được hòa bình từ giải pháp được nêu trong tác phẩm, Nepal – hòa bình trong tầm tay, thì TT có nghĩ rằng mình là một tu sĩ của Phật giáo, nên họ kính trọng và lắng nghe không? Chúng tôi hỏi. “Có lẽ điều đó hòan tòan đúng” TT khiêm tốn trả lời đồng thời không quên nhắn nhũ chư Tôn đức cũng như các Phật tử hằng đêm cầu nguyện cho đất nước Nepal sớm được hòa bình. Chuyện đời tình đạo thì dài mà thời gian không cho phép. Chúng tôi bái tạ từ giả TT trong niềm tiếc nuối.


Sự tiếc thương của chư thiên và nhân loạiTrên đường đến Câu Thi Na (Kuśinagara), nơi đức Phật nhập Niết bàn, đoàn chúng tôi “may mắn” phải “hồi đầu” một lần nữa, lý do cầu hư đang tu sửa, xe chúng tôi phải tìm đường khác để đi. Các đường làng cong queo, gồ ghề, nhà cửa và cảnh sinh hoạt của người dân cứ dần hiện ra. Nếu không bị “chướng duyên” do cầu hư thì chúng tôi cũng không ghi nhận được những hình ảnh quá ư cực khổ của người dân ở xứ này. So sánh cảnh sống nơi đây, chúng tôi thầm tự hào và hạnh phúc được làm người con của đất nước Việt Nam. Nhìn cảnh sinh hoạt như thế không ai không động lòng bi mẫn. Đức Phật đã để lại một kho tàng vô giá cho đất nước này nhưng rất tiếc là chính phủ Ấn Độ chưa khai thác đúng và hết các tiềm năng của ngành “kinh tế không khói”, để cải thiện đời sống cho người dân, thật đau lòng.


Chúng tôi viếng bái đền Bát Đại Niết Bàn và vườn Sa La Song Thọ, nơi đức Phật nhập Niết bàn và tháp Ramabhar, nơi làm lễ trà tỳ kim thân của Đức Thế tôn. Ngoài các đòan Phật giáo của các nước khác, chúng tôi thấy có rất nhiều chư Tôn đức và Phật tử VN đang định cư tại Mỹ, Úc, Canada cũng về đây chiêm bái.


Đại Đức Thích Thường Tín, trụ trì chùa Long Sơn, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã nghẹn ngào khi xướng lên bài kệ:


“Phật tại thế thời ngã trầm luân

Kim đắc nhân thân Phật diệt độ
Áo não thử thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắc thân”

Tiếng kệ cứ đứt quãng không vang lên được do quá xúc động trước hình ảnh thế tôn đang yên vị Niết bàn. Chúng tôi khóc và nhiều Phật tử cũng khóc. Sự kiện Niết bàn của Ngài đã làm nhân thiên phải cảm động. Hình ảnh Tăng Ni và Phật tử ngày nay rơi lệ cũng nằm trong lẽ thường tình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.