Một thoáng Diêm Phù

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

ĐI CHÙA CŨNG LÀ PHÁP THÍ

ĐI CHÙA CŨNG LÀ PHÁP THÍ

Tác giả: Nguyên Diên


Có một số người đi chùa vào những dịp đầu năm mới hay những ngày lễ lớn như: Lễ Phật Đản hoặc Lễ Vu Lan. Nhưng cũng có người đi tới chùa do những tuyến du lịch tham quan danh lam thắng cảnh và cũng có người đến chùa do người thân hoặc bạn bè không may qua đời có tro cốt gởi thờ ở các các chùa, hoặc tổ chức lễ cầu siêu ở một số tự viện nào đó, đồng thời có người đến chùa lễ Phật, chiêm ngưỡng dung nhan thánh tượng, trầm lặng suy tư về công hạnh và đức độ của Ngài… Cũng có người đi chùa lễ phật cầu một điều gì đó hoặc có người đi chùa vào những ngày 14,15,30 và mồng 1, đặc biệt có người đến chùa hằng đêm để tụng kinh bái sám… Dẫu đến chùa do yếu tố khách quan hay chủ quan, bị động hay chủ động, xét cho cùng tất cả họ, ít nhiều đều có "duyên” với Tam Bảo.

Bài viết này chỉ nêu ra một vấn đề là: đi chùa như thế nào để được xem như là pháp thí?

Giáo lý đạo Phật nói bố thí có ba đó là: tài thí, pháp thí và vô uý thí.
Tài thí gồm nội tài và ngoại tài.
Pháp thí là Kinh, Luật, Luận, ngoài tam tạng thánh giáo còn có những lời dạy của các vị Tổ sư, các bậc tiền bối hoặc những câu nói mang lại lợi ích, làm an ổn tinh thần của mình và tha nhân cũng được xem như là pháp thí.
Vô úy thí có nghĩa trang bị cho họ có một khả năng định lực để “chống và chuyển” mọi sợ hãi từ bên ngoài cũng như bên trong tâm của họ. Như vậy đi chùa có được coi là pháp thí không? Với quan kiến mang tính chủ quan, người viết nghĩ rằng : đi chùa cũng là pháp thí vậy.

Ở đây người đi chùa được xem là pháp thí có lẽ là những người đến chùa tụng kinh lễ Phật hằng đêm và những ngày 14,15,30 và mồng một. Những ngày này là ngày mà các chùa làm lễ sám hối (14 và 30,tháng thiếu thì ngày 29). Lễ cầu an (mồng 1 và 15).
Dẫu biết rằng đạo Phật không câu nệ hình thức, không bắt buộc hằng đêm phải đến chùa tụng kinh lễ Phật, không nhất thiết phải tham gia đầy đủ những buối lễ sám hối hay cầu an, họ có thể ở nhà tắm rửa sạch sẽ xong, đối trước bàn Phật của gia đình (nếu có) để hành lễ, hoặc ngồi vào bàn hay những nơi nào trang nghiêm thanh tịnh, đem kinh sách Phật ra đọc và suy ngẫm, chiêm nghiệm lại lời dạy của Đấng Đạo Sư, rồi áp dụng nó vào đời sống thường nhật.
Thiết nghĩ việc làm như thế không có gì sai trái cả và cũng rất tiện lợi cho mọi người. Mục đích lớn nhất là tự gọt rửa và trau dồi thân tâm của chính mình cho thanh tịnh. Nhưng thử hỏi tất cả tín đồ ai cũng có suy nghĩ và việc làm tương tự như vậy thì các ngôi chùa sẽ vắng “như chùa Bà Đanh”. Và điều quan trọng là những người ngoài, họ sẽ nghĩ về chùa như thế nào? nghĩ về đạo thế nào? khi mà ngày này qua tháng nọ chùa chỉ một vài bóng người lui tới. Vô hình trung mỗi người trong chúng ta góp phần làm cho “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.

Chúng ta phần nhiều phước mỏng tội dày nên thường thiếu tinh tấn trong công việc tu tập. Vì vậy muốn độ được căn bệnh giải đãi, thiết nghĩ ngoài việc nỗ lực của tự thân chúng ta cần sự hổ trợ từ phía Tăng thân và đại chúng, đồng thời đến chùa cũng là một cơ hội để gieo duyên, kết thêm tình bạn hữu. Bởi họ đều là những thiện tri thức, những người có tâm đạo và có chánh kiến cũng như chánh mạng… Đó chỉ là phần tự lợi mà thôi, còn phần lợi tha thì vô giá mà chúng ta không nhìn thấy hết được.

Thường xuyên đi chùa tụng kinh lễ Phật hằng đêm hay những ngày lễ trong tháng, có được lợi ích như đã trình bày ở trên. Ngoài ra còn tạo được một không gian đông vui hòa thuận, làm cho ngôi chùa có sinh khí và sức sống hơn. Hình ảnh này không chỉ đem lại những thiện cảm trong lòng mỗi người đến chùa mà nó có tác động giáo dục rất lớn đối với mọi người xung quanh, đánh thức, dẫn dắt mọi người bằng hình ảnh, việc làm thánh thiện của mình, tạo cho họ điều kiện “đến và hiểu” và từ “hiểu đến tin” rồi có cảm tình, một ngày nào đó biết đâu ai đó trong số họ trở thành một tín đồ thuần thành, rồi xuất gia học đạo. Như vậy đi chùa tụng kinh, lễ Phật hằng đêm và tham gia đầy đủ những ngày lễ quan trọng trong tháng, chính là thân giáo *, mà thân giáo chính là pháp thí vậy.

* (thân giáo, khẩu giáo và ý giáo)
Viết tại THIÊN HƯƠNG CHIÊU ĐỀ
Trọng Hạ năm Giáp Thân (2004)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.