41 - Chuông đoạn hồn
Trước chùa của một thiền sư nọ, có một vài nhà làm nghề đồ tể.
Cứ chuông khuya ngân lên là có tiếng kêu la thất thanh của các chú lợn bị thọc tiết.
Tội nghiệp. Xót xa. Nhưng không thể khác.
Có nhiều hôm, thiền sư mệt, dậy trễ. Các chú lợn có thêm một giờ tuổi
thọ. Có hôm, thiền sư ngủ quên, chú lợn sống thêm một ngày. Cái giá của
ngủ quên là các câu chửi xéo của nhà đồ tể.
Bây giờ đã có đồng hồ
báo thức. Cụ chuông không còn bị hàm oan là “chuông đoạn hồn” nữa.Chuông
vẫn ngân vang, đều đặn năm này qua năm khác. Nhưng tiếng gào thét của
các chú lợn không còn.
Vì họ đã đổi nghề. Có người bán nhà ra đi.
Yên bình.
Tiếng chuông khuya từng nhịp ngân vang.
42 - Đi xem con “Gấy lấy Nhôông”
Tôi ghé thăm xứ Nghệ vào đầu Đông năm đó. Đang đưa mắt nhìn cảnh thiên nhiên. Chợt nghe mấy đứa nhỏ í a í ới reo lên.
Đi xem con “gấy lấy nhôông”.
Tôi hỏi thằng bạn đi bên cạnh.
- Chuyện gì vậy?
Hắn trả lời:
- Hiểu chết liền.
Tôi căn cứ nghĩa chữ “lấy” để suy diễn nghĩa của câu.
Tôi biết dân Quảng Bình, Quảng Trị, Huế. Con gái trong phương ngữ gọi là “con cấy”. Chồng nói là “dôông” hoặc “giôông”.
Còn đây là “gấy” và “nhôông”. Có lẽ suy diễn của tôi đúng.
Hôm rồi, gặp cô giáo dạy toán xứ Nghệ. Tôi hỏi thử “Dà ả có con cấy lấy dôông chưa?”
Cô giáo cười.
- Xứ Nghệ mêềng nói con “gấy lấy nhôông” ạ.
Ôi! Văn hoá vùng miền thú vị thật!
Phương ngữ lên sân khấu làm vơi đi những phiền muộn trong cuộc sống.
Tôi yêu phương ngữ.
Nhặt bóng suy tư - Phương Nhã Ka
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.